Acid uric máu là một chỉ số xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh gout. Chỉ số acid uric 450 micromol/lít là cao hay thấp? Đã bị bệnh gout chưa? Nguyên nhân khiến acid uric máu tăng cao là gì? Các bệnh lý thường gặp và hướng điều trị hiệu quả? Hãy cùng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên trong bài viết dưới đây.
Chỉ số acid uric 450 micromol/lít - Bạn đã bị tăng acid uric máu
Acid uric (C5H4N4O3) là một hợp chất dị vòng được sinh ra từ quá trình thoái hóa nhân purin của tế bào. Chỉ số acid uric máu được xác định thông qua quá trình định lượng nồng độ chất này trong máu.
Giới hạn bình thường của acid uric trong máu có sự khác biệt giữa nam và nữ, cụ thể là:
- Nam giới: Chỉ số acid uric từ 210 - 420 micromol/l.
- Nữ giới: Chỉ số acid uric từ 150 - 350 micromol/l.
Do đó, chỉ số acid uric 450 micromol/l là tình trạng tăng acid uric máu vượt quá ngưỡng giới hạn bình thường. Tình trạng tăng acid uric máu nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh gout, bệnh thận và nhiều rối loạn khác. VÌ thế, bạn cần sớm kiểm soát tình trạng này.
Chỉ số acid uric máu giúp chẩn đoán bệnh gout
Những nguyên gây tăng acid uric máu là gì?
Chỉ số acid uric máu tăng lên 450 micromol/lít có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân này làm tăng tổng hợp acid uric hoặc giảm thải trừ acid uric trong cơ thể. Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân chính sau đây gây ra tình trạng acid uric máu cao.
Yếu tố di truyền
Tình trạng tăng acid uric máu do di truyền khá hiếm gặp, nhưng vẫn có thể xuất hiện trong lâm sàng. Một số nghiên cứu bệnh học chỉ ra, người mắc hội chứng Lesch - Nyhan bẩm sinh có nguy cơ cao bị tăng nồng độ acid uric máu.
Người bị mắc hội chứng này, cơ thể sẽ thiếu hụt gen tổng hợp hypoxanthine phosphoribosyltransferase 1 - đây là một protein quan trọng trong quá trình đào thải acid uric ra khỏi cơ thể. Do sự đào thải acid uric giảm đi dẫn đến nồng độ acid này tăng lên nhiều trong máu.
Thuốc làm tăng acid uric máu
Có nhiều nhóm thuốc khi sử dụng có thể khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Cơ chế chủ yếu của hiện tượng này là do sự ngăn cản bài tiết acid uric qua thận của các thuốc.
Một số nhóm thuốc làm tăng acid uric trong máu có thể kể đến như:
- Các thuốc lợi tiểu: Hầu hết các thuốc lợi tiểu (trừ nhóm spironolactone) đều gây tăng acid uric máu do giảm thải trừ chất này qua thận, bao gồm các thuốc thuộc nhóm lợi tiểu thiazid, furosemid, indapamide,…
- Thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm aspirin: Gây tăng acid uric máu khi sử dụng liều thấp dưới 2g/ngày, ở liều dùng cao hơn, thuốc lại gây giảm acid uric máu.
- Thuốc chống lao: Pyrazinamid và ethambutol là hai thuốc chống lao có thể khiến nồng độ acid uric máu tăng lên khi sử dụng để điều trị bệnh.
- Các thuốc điều trị bệnh lý ác tính: Vincristine, cisplatin gây tăng acid uric do giảm bài tiết qua thận và sự tăng phân hủy tế bào, thoái hóa nhân purin.
Thuốc lợi tiểu thiazid làm giảm đào thải acid uric qua thận
Tăng thoái hóa nhân purin
Ở những người bị ung thư như u lympho, đa u tủy, ung thư bạch cầu,... có thể gặp phải tình trạng tăng acid uric máu sau khi tiến hành hóa trị liệu. Khi điều trị bệnh bằng hóa trị, rất nhiều tế bào ung thư bị chết, dẫn tới sự tăng giải phóng và thoái biến nhân purin của tế bào, từ đó gây tăng acid uric máu.
Thải trừ acid uric giảm
Bình thường, acid uric được tạo thành trong cơ thể sẽ hòa tan trong máu, sau đó được chuyển đến thận để đào thải ra ngoài thông qua 3 quá trình: Lọc ở cầu thận, bài tiết và tái hấp thu ở ống thận. Khi chức năng thận bị rối loạn, đặc biệt là những người mắc bệnh thận mạn sẽ ảnh hướng tới quá trình đào thải acid uric và làm tăng nồng độ acid uric trong máu.
Ăn nhiều thực phẩm chứa purin
Việc sử dụng một lượng lớn thực phẩm có chứa nhân purin sẽ làm tăng acid uric trong máu do sự tăng thoái hóa purin thành acid uric. Các thực phẩm giàu nhân purin có thể kể đến như: Các loại thịt đỏ, nấm men, nội tạng động vật,...
Ăn nhiều nấm sẽ làm tăng nồng độ acid uric trong máu
Uống bia rượu
Sử dụng nhiều rượu bia khiến cơ thể tăng sản sinh enzyme xanthine oxidase tham gia vào quá trình tổng hợp acid uric. Do đó, những người uống nhiều rượu bia sẽ có nguy cơ bị tăng acid uric máu.
Acid uric 450 micromol/lít có thể dẫn đến những bệnh lý nào?
Tình trạng tăng acid uric máu có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác nhau. Dưới đây là tổng hợp những bệnh lý phổ biến mà bạn có thể gặp phải khi chỉ số acid uric máu tăng cao.
Bệnh thận là biến chứng thường gặp
Acid uric tăng cao trong máu có thể do quá trình thải trừ acid uric ở thận bị suy giảm. Ngược lại khi nồng độ uric máu tăng, nguy cơ lắng đọng tinh thể urat ở thận cũng tăng theo, gây ra bệnh sỏi thận. Sỏi thận khiến người bệnh cảm thấy đau đớn vùng thận, buồn nôn, nôn, tiểu đục tiểu buốt, bí tiểu,...
Acid uric 450 micromol/lít - Coi chừng bệnh gout
Acid uric máu tăng quá ngưỡng bình thường dẫn tới sự kết tinh và hình thành các tinh thể muối urat hình kim. Các tinh thể này thường lắng đọng nhiều ở mô, khớp dẫn đến tình trạng viêm: Sưng, nóng, đỏ, đau khớp.
Cơn đau gout cấp hay diễn ra vào ban đêm, khiến người bệnh đau nhiều, mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt. Bệnh gout cấp thường khởi phát đột ngột, dữ dội trong 3-10 ngày. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển thành thể mạn tính, hình thành các hạt tophi trong khớp gây ra những tổn thương khớp không hồi phục.
Tăng acid uric gây nên bệnh tim mạch
Sự tác động của acid uric lên hệ tim mạch theo cơ chế bệnh sinh còn chưa rõ ràng. Một số chuyên gia chỉ ra ảnh hưởng của acid uric lên tim mạch có liên quan đến sự tác động của chất này đến chức năng của lớp nội mạc mạch máu, sự kết dính tiểu cầu hay sự oxy hóa.
Theo đó, acid uric cao sẽ thúc đẩy sự oxy hóa LDL làm tăng xơ vữa động mạch, kích thích bạch cầu hạt kết dính lại vào lớp nội mạc mạch máu, tăng giải phóng các gốc tự do superoxide, peroxide. Đồng thời, các tinh thể muối urat lắng đọng trong mảng xơ vữa càng nhiều, gây viêm và làm nặng thêm tình trạng xơ vữa động mạch.
Tăng acid uric máu có thể dẫn đến bệnh lý trên hệ tim mạch
Bệnh đái tháo đường typ 2
Nồng độ acid uric tăng cao trong máu có thể gây rối loạn hoạt động của tuyến tụy, làm nặng tình trạng kháng insulin dẫn đến bệnh lý đái tháo đường typ 2. Bệnh đái tháo đường không điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm trên nhiều hệ cơ quan như thận, mạch máu não, hệ tim mạch, mắt,...
Acid uric 450 micromol/l đã bị bệnh gout chưa?
Chỉ số acid uric máu không phải là yếu tố duy nhất trong các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh gout. Người có chỉ số acid uric 450 micromol/l nghi ngờ bị bệnh gout cần được tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng sau (theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh gout của Bộ Y tế):
- Nồng độ acid uric trong máu lớn hơn 420 micromol/lít.
- Định lượng acid uric niệu trong 24h: Xác định sự thải trừ acid uric ở thận.
- Xét nghiệm dịch khớp để tìm tinh thể muối urat lắng đọng.
- Một số xét nghiệm khác như CRP, tốc độ lắng máu,...
Bệnh gout được chẩn đoán xác định theo tiêu chuẩn của Omeract và ILAR (2000). Theo đó, người bệnh được chẩn đoán bị gout nếu có các tiêu chí sau:
A. Trong dịch khớp có tinh thể urat đặc trưng.
B. Và/hoặc hạt tophi có chứa tinh thể urat.
C. Và/hoặc có 6 trong 12 xét nghiệm, X - quang và biểu hiện lâm sàng sau:
- Có viêm tiến triển trong tối đa một ngày.
- Có nhiều hơn một cơn viêm cấp ở khớp.
- Có viêm ở một khớp.
- Vùng khớp đỏ.
- Đau khớp, sưng vùng bàn ngón chân cái.
- Ở một bên bàn ngón chân cái bị viêm khớp.
- Một bên cổ chân bị viêm khớp.
- Nhìn thấy hạt tophi.
- Acid uric máu tăng: Ở nam lớn hơn 420 micromol/l, ở nữ lớn hơn 360 micromol/l.
- Đau khớp không đối xứng.
- Kết quả X-quang, không thấy hình khuyết ở xương, nang dưới vỏ xương.
- Kết quả nuôi cấy vi khuẩn âm tính.
Chỉ số acid uric máu không phải là yếu tố duy nhất trong các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh Gout
Ngoài ra, bệnh gout còn được chẩn đoán xác định theo tiêu chuẩn của Bennett và Wood (1968) được Bộ Y tế áp dụng, một người được xác định bị bệnh gout khi:
a. Hoặc tìm thấy sự có mặt của tinh thể urat natri ở trong dịch khớp hay trong hạt tophi.
b. Hoặc có ít nhất 2 trong các yếu tố dưới đây:
- Tiền sử/hiện tại có ít nhất hai đợt đau khớp khởi phát đột ngột, đau nhiều và hết đau hoàn toàn trong 2 tuần.
- Có tiền sử hoặc hiện tại đang bị sưng đau dữ dội khớp ở ngón chân cái.
- Có hạt tophi.
- Đáp ứng giảm đau với thuốc colchicin (tiền sử hoặc hiện tại).
Có thể thấy, nếu chỉ căn cứ vào chỉ số acid uric 450 micromol/lít chưa thể xác định được bạn đã bị bệnh gout hay chưa. Cần dựa vào nhiều kết quả X - quang, xét nghiệm và các biểu hiện lâm sàng khác để đưa ra kết luận chẩn đoán chính xác.
Tuy nhiên, sự gia tăng acid uric máu sẽ tạo điều kiện cho sự tạo thành và lắng đọng tinh thể muối urat trong khớp dẫn đến những cơn gout cấp đau đớn. Do đó, tình trạng tăng acid uric máu cần được giải quyết nhanh chóng và triệt để.
>>> XEM THÊM: Tổng quan về bệnh gút
Người có acid uric 450 micromol/l cần làm gì?
Khi có chỉ số acid uric 450 micromol/lít, bạn cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sử dụng một số thuốc theo chỉ định của bác sĩ để nhanh chóng đưa nồng độ uric acid máu về mức bình thường. Tuyệt đối không chủ quan để tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm, phức tạp hơn.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi có chỉ số acid uric 450
Người bệnh bị tăng acid uric máu cần áp dụng chế độ dinh dưỡng, kiêng khem hợp lý để giảm nồng độ acid uric máu. Các thực phẩm nên sử dụng bao gồm:
- Củ cải trắng, cải bẹ xanh: Chứa nhiều hoạt chất dinh dưỡng thúc đẩy sự đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Giàu chất xơ giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể, ít nhân purin nên hạn chế tăng acid uric máu, một số loại ngũ cốc nên sử dụng như gạo lứt, yến mạch, lúa mạch,…
- Trái cây: Một số loại trái cây như táo, chuối, ổi, cherry,... giúp giảm nồng độ acid uric máu cũng như hạn chế sự kết tinh, lắng đọng những tinh thể muối urat ở khớp, mô.
- Nước: Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cơ thể tăng thải nhiều độc tố trong đó có acid uric, người trưởng thành có chỉ số acid uric 450 micromol/lít nên uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày.
Acid uric cao không nên ăn gì?
- Nội tạng động vật như óc, gan, lòng,... do giàu nhân purin.
- Đồ ngọt: Ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, nước ngọt có nguy cơ làm tăng acid uric máu, gây béo phì (yếu tố thúc đẩy gout).
- Rượu, bia: Cần hạn chế sử dụng bia rượu để tránh làm tăng men xanthin oxidase gây tăng tân tạo acid uric.
- Thực phẩm giàu đạm: Các loại thịt đỏ như thịt cừu, thịt bò, thịt chó; hải sản như cá ngừ, cá hồi, cá tuyết, cá mòi,... là thực phẩm chứa nhiều nhân purin từ đó gây tăng uric máu.
Lưu ý, người bệnh không nên hạn chế quá mức trong chế độ ăn của mình như các loại thịt, cá,... Do có thể gây thiếu chất dinh dưỡng, suy giảm khả năng miễn dịch. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các loại cá, thịt vẫn cần được sử dụng với một lượng phù hợp sao cho lượng purin cung cấp dưới 150mg/ngày. Ví dụ như bạn có thể ăn thịt bò, thịt lợn 2-3 lần một tuần, mỗi lần với lượng khoảng 70 gam.
Hạn chế sử dụng thịt đỏ để giảm nồng độ acid uric
Thuốc điều trị tăng acid uric
Bác sĩ có thể chỉ định cho người có chỉ số acid uric 450 micromol/lít một số nhóm thuốc hạ uric máu. Trong đó, có ba nhóm thuốc chính sau đây, bao gồm: Thuốc giảm tổng hợp acid uric, thuốc tăng thải acid uric và thuốc tiêu hủy acid uric.
Allopurinol
Dược chất có vai trò ức chế enzym xanthin oxidase từ đó ức chế quá trình tân tạo acid uric. Liều khởi đầu của allopurinol được khuyến cáo là 100mg/ngày, tăng dần liều sau 2-4 tuần điều trị tới liều tối đa 800 mg/ngày. Điều trị đến khi nồng độ uric máu giảm còn dưới 6 mg/dl. Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng allopurinol như ban đỏ, kích ứng dạ dày - ruột, hội chứng Steven - Johnson,...
Thuốc Allopurinol có tác dụng giảm tổng hợp acid uric
Febuxostat
Febuxostat là một thuốc ức chế enzym xanthin oxidase chọn lọc, được chỉ định trong trường hợp tăng acid uric máu ở người bị gout. Tuy nhiên, febuxostat không chỉ định cho người bị tăng uric máu mà không có triệu chứng.
Thuốc có thể được dùng cho các trường hợp bị dị ứng, quá mẫn với allopurinol. Liều dùng febuxostat khoảng 40-80 mg/ngày để đạt nồng độ uric acid trong máu dưới 6 mg/dl. Do giá thành của thuốc này cao hơn so với allopurinol nên hiện nay, febuxostat ít được chỉ định dùng.
Benzbromarone
Tác dụng của thuốc benzbromarone có được nhờ sự ức chế quá trình tái hấp thu urat tại ống thận thông qua ức chế enzym URAT1. Thuốc cần được chỉnh liều từ 50 - 200 mg/ngày để đạt hiệu quả điều trị.
Benzbromarone có thể chỉ định cho những người bị suy giảm chức năng thận. Tuy nhiên, do có nhiều độc tính trên gan, nên thuốc này đã bị rút khỏi thị trường.
Lesinurad
Thuốc có tác dụng ức chế URAT1 nên sự tái hấp thu urat vào máu giảm. Bên cạnh đó, thuốc còn tác dụng lên các kênh OAT nên giảm được tương tác thuốc bất lợi.
Thuốc được chỉ định cho những trường hợp không đáp ứng với thuốc giảm tổng hợp uric máu đơn độc. Và thường được phối hợp với một thuốc ức chế men xanthin oxidase. Lưu ý chống chỉ định lesinurad trên người bị suy giảm chức năng thận, lọc máu, ghép thận, có hội chứng Lesch - Nyhan, hội chứng ly giải khối u.
Probenecid
Thuốc có cơ chế tác dụng tương tự benzbromarone. Do tính chọn lọc kém, xảy ra tương tác với nhiều thuốc khác nên hiện nay thuốc này chưa được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng.
Thuốc Probenecid làm tăng thải acid uric máu
Thuốc hủy acid uric
Hai dược chất chính trong nhóm là pegloticase và rasburicase có bản chất là enzym uricase tái tổ hợp. Trong cơ thể, enzym uricase có tác dụng biến đổi acid uric thành allantoin tan được trong nước và dễ dàng được thải trừ qua thận.
Thuốc được chỉ định dùng trong trường hợp tăng acid uric máu ở người mắc bệnh gout kháng trị, có hạt tophi gây biến dạng khớp. Thuốc được truyền với liều 9mg trong mỗi 2 tuần và kéo dài ít nhất 6 tháng. Một số tác dụng phụ có thể gặp như đau ngực, khó thở, tan máu hay sốc phản vệ.
>>> XEM THÊM: Xếp hạng 12 thuốc trị gout phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay
Sử dụng thảo dược hỗ trợ cải thiện chỉ số acid uric máu
Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sử dụng các thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhiều người bị tăng acid uric máu lựa chọn sử dụng một số thảo dược giúp hạ acid uric máu hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến các vị thảo dược như:
- Trạch tả: Nghiên cứu tại trường Đại học Bắc Kinh Trung Quốc đã cho thấy trạch tả có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển hóa nước từ đó tăng khả năng bài tiết các chất độc như acid uric ra khỏi cơ thể.
- Nhọ nồi, hạ khô thảo: Có tác dụng hỗ trợ thanh nhiệt thải độc cơ thể, đồng thời còn hỗ trợ giảm triệu chứng sưng đau cho người bệnh gout.
- Ba kích, nhàu: Giúp tăng cường chức năng thận giúp thận tăng đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.
- Thổ phục linh: Giúp trừ khử phong thấp, cải thiện các triệu chứng sưng viêm khớp, giảm đau hiệu quả.
Trạch tả có tác dụng hỗ trợ tăng đào thải acid uric máu
Trên đây là những thông tin liên quan về chủ đề chỉ số acid uric 450 micromol/lít. Tóm lại, chỉ dựa trên chỉ số acid uric 450 micromol/lít chưa thể xác định được có mắc bệnh gout hay không. Tuy nhiên, chỉ số này phản ánh nguy cơ bị gout và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như sỏi thận, đái tháo đường hay bệnh lý tim mạch.
Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp để đưa nồng độ acid uric về ngưỡng bình thường. Mọi thắc mắc, băn khoăn về tình trạng này, vui lòng để lại bình luận hoặc số điện thoại bên dưới nhé.
Tài liệu tham khảo:
https://www.arthritis-health.com/types/gout/