Bệnh gout là tình trạng tăng acid uric trong máu do rối loạn quá trình chuyển hóa nhân purin. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ giới và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết này giúp bạn có thêm những thông tin quan trọng về bệnh gout.

Bệnh gout là gì ?

Bệnh gout thuộc nhóm bệnh chuyển hóa do rối loạn quá trình chuyển hóa nhân purin làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Acid uric kết tủa thành những tinh thể urat natri lắng đọng tại các mô và tạo nên những những đợt viêm khớp cấp tái phát.

Bệnh gout thường xuất hiện sau những bữa ăn nhiều thịt (đặc biệt là thịt đỏ), uống rượu hoặc sau những chấn thương, đợt nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc lợi tiểu,… Bệnh gout được chia làm 3 loại:

Tang-acid-uric-la-nguyen-nhan-dan-den-benh-gout.webp

Tăng acid uric là nguyên nhân dẫn đến bệnh gout

Nguyên nhân bệnh gout là gì?

Căn nguyên chính gây ra bệnh gout được cho là do việc tăng quá trình tổng hợp và thận giảm đào thải acid uric. Từ đó làm nồng độ acid uric cao dẫn đến sự xuất hiện của các tinh thể urat tại các khớp gây viêm, đau.

Tăng tổng hợp acid uric

Một số yếu tố làm tăng tổng hợp acid uric có thể kể đến như:

  • Chế độ dinh dưỡng giàu purin, thường có nhiều trong: Cá mòi, cá cơm, cá hồi, cá ngừ, thịt đỏ, nội tạng,... Khi ăn nhiều các thực phẩm này, cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình chuyển hóa purin thành acid uric, từ đó nồng độ axit uric máu sẽ tăng lên.
  • Sự thiếu hụt men HGPRT hoặc tăng hoạt tính men PRPP làm ảnh hưởng đến chuyển hóa purin dẫn đến tăng acid uric máu. 
  • Thường xuyên sử dụng bia, rượu hoặc các loại đồ uống chứa cồn cũng có thể làm tăng acid uric máu. Bản chất trong bia rượu chứa nhiều loại nấm men, khi vào trong cơ thể chúng sẽ kích thích chuyển hóa purin làm tăng acid uric máu.

Giảm đào thải acid uric

Những yếu tố làm giảm đào thải acid uric như:

  • Bệnh lý ở thận: Người bệnh gặp phải các vấn đề làm suy giảm chức năng thận sẽ dẫn đến tăng tái hấp thu và giảm thải trừ acid uric. Một số bệnh lý thường gặp như sỏi thận, suy thận, bệnh thận do nhiễm chì,...
  • Sử dụng một số thuốc để điều trị các bệnh lý khác như aspirin, ethambutol, cyclosporin, pyrazinamide,... cũng ảnh hưởng đến khả năng thải trừ acid uric.
  • Ngoài ra, người một số bệnh lý như tăng huyết áp, cường giáp, tăng insulin máu,... cũng có nguy cơ cao giảm đào thải acid uric máu dẫn đến mắc gout.

Các triệu chứng bệnh gout

Bệnh gout thường xuất hiện đột ngột và xảy ra vào ban đêm. Một số triệu chứng điển hình của bệnh gout như sau:

  • Đau khớp dữ dội: Cơn đau xuất hiện ở các khớp như mắt cá chân, đầu gối, ngón chân, ngón tay, cổ tay, khuỷu tay. Những cơn đau này có thể trở nên nặng hơn trong vòng 4 đến 12 giờ từ khi có cảm giác đau.
  • Các khớp có biểu hiện sưng tấy, viêm, nóng, đỏ kèm sốt nhẹ hoặc vừa.
  • Khó chịu kéo dài: Cơn đau có thể kéo dài khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng đến các khớp lân cận.
  • Khi bệnh gout tiến triển sẽ gây viêm khớp khiến người bệnh khó vận động và di chuyển. Lúc này các khớp trở nên đau, sưng to, cứng hơn và không đối xứng.
  • Lắng đọng các tinh thể urat: Đây là nguyên nhân hình thành các hạt tophi dưới da. Các hạt tophi thường xuất hiện chậm và khi đã xuất hiện thì sẽ tiến triển rất nhanh.

Benh-gout-gay-tinh-trang-viem-khop-man-tinh.webp

Bệnh gout gây tình trạng viêm khớp mạn tính

Cách chẩn đoán bệnh gout

Ngoài thăm hỏi các triệu chứng của người bệnh, bác sĩ còn có thể làm một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm acid uric máu: Chỉ số acid uric huyết lớn hơn 420 µmol/l. Tuy nhiên ở một số người có chỉ số acid uric ở mức bình thường nhưng vẫn xuất hiện cơn gout cấp.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Mục đích xác định lượng acid uric niệu trong 24 giờ.
  • Xét nghiệm dịch trong khớp: Nhằm tìm các tinh thể urat và bạch cầu để xác định mức độ viêm khớp.
  • Chụp X-quang khớp: Xác định các tổn thương ở khớp, thường áp dụng với các trường hợp nặng.
  • Xét nghiệm khác: CRP, tốc độ lắng máu,...

Chẩn đoán xác định

Để chẩn đoán xác định bệnh gout, bác sĩ có thể áp dụng tiêu chuẩn Bennett and Wood hoặc tiêu chuẩn ILAR và Omeract. Đối với mỗi tiêu chuẩn, người bệnh được xác định bệnh gout khi có 1 trong 2 điều kiện dưới đây:

STT

Tiêu chuẩn Bennett and Wood

Tiêu chuẩn ILAR và Omeract

1

Tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp hoặc các hạt tophi.

Trong dịch khớp xuất hiện tinh thể urat natri.

2

Có ít nhất 2 yếu tố sau: 

1. Hiện tại hoặc trước đây có ít nhất 2 đợt sưng đau của cùng một khớp. Nhưng xuất hiện đột ngột, đau dữ dội và khỏi hẳn trong 2 tuần.

2. Hiện tại hoặc đã từng đột ngột sưng đau dữ dội khớp ngón chân cái và khỏi hẳn trong 2 tuần.

3. Đã từng dùng hoặc đang sử dụng Colchicin và thấy hiệu quả.

4. Có xuất hiện hạt tophi.



 

Có đồng thời 6 trong 12 yếu tố sau: 

1. Viêm tiến triển trong vòng 1 ngày.

2. Nhiều hơn một cơn viêm khớp cấp. 

3. Viêm 1 khớp.

4. Đỏ khớp.

5. Sưng, đau ở khớp ngón chân cái. 

6. Chỉ một bàn ngón chân cái bị viêm.

7. Chỉ một khớp cổ chân bị viêm.

8. Nhìn thấy hạt tophi.

9. Acid uric máu tăng (nam ≥ 420 µmol/l, nữ ≥ 360µmol/l).

10. Sưng đau khớp không đối xứng.

11. Chụp X-quang thấy nang dưới vỏ xương nhưng không có hình khuyết xương.

12. Cấy vi khuẩn âm tính.

Tim-kiem-tinh-the-urat-duoi-kinh-hien-vi-de-chan-doan-benh-gout.webp
Tìm kiếm tinh thể urat dưới kính hiển vi để chẩn đoán bệnh gout

Bệnh gout có nguy hiểm không?

Những biến chứng của bệnh gout rất nguy hiểm và khó điều trị. Vì thế, bạn cần phát hiện sớm và điều trị đúng cách để kiểm soát tốt bệnh.

Hình thành các hạt tophi

Hạt tophi là kết quả của sự lắng đọng các tinh thể urat. Các hạt tophi thường xuất hiện ở những cơ quan như: Mu bàn chân, bàn tay, cổ tay, gót chân, ngón chân cái, vành tai, khuỷu tay, gân achille.

Khi hạt tophi phát triển sẽ gây căng da, chèn ép các mạch máu và ảnh hưởng tới các khớp xung quanh. Các hạt này bị vỡ sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, viêm khớp. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm loét nghiêm trọng hoặc thậm chí là tàn phế.

Biến dạng khớp

Khi các cơn gout cấp xảy ra liên tục sẽ gây phản ứng viêm lên khớp. Các đợt viêm này cùng với hạt tophi có thể làm mòn xương, mất sụn và gây biến dạng khớp hoặc phá hủy toàn bộ khớp.

Biến chứng thận

Tinh thể urat có thể lắng đọng tại các xoang thận và tạo thành viên sỏi urat. Các viên sỏi này làm ảnh hưởng tới sự lưu thông đường tiểu gây ứ nước, tổn thương tế bào thận. Từ đó thận có thể bị suy giảm chức năng bài tiết dẫn đến vòng xoáy bệnh thận và gout.

Bệnh tim mạch

Gout và bệnh tim mạch có liên quan mật thiết với nhau. Khi tinh thể urat lắng đọng tại lòng mạch thì sẽ làm tổn thương hệ mạch, và xuất hiện các cục huyết khối. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: Nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ,…

Benh-tim-mach-la-bien-chung-nguy-hiem-cua-gout.webp

 

Bệnh tim mạch là biến chứng nguy hiểm của gout

>>> XEM THÊM: [CẢNH BÁO] Dấu hiệu bệnh gút ở chân cần chú ý

Cách điều trị bệnh gout

Điều trị gout nhằm mục đích kiểm soát tình trạng viêm trong các cơn đau cấp và dự phòng bệnh tái phát. Việc hạn chế sự tăng acid uric và giảm lắng đọng của tinh thể urat tại các cơ quan trong cơ thể là rất quan trọng trong phòng ngừa biến chứng của bệnh gout.

Thuốc trị bệnh gout

Một số thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh gout bao gồm chống viêm, giảm nồng độ acid uric máu:

  • Thuốc chống viêm : 

+ Colchicin : Được sử dụng để giảm đau, chống viêm trong cơn gout cấp hoặc đợt cấp của gout mạn. Khuyến cáo sử dụng thuốc này càng sớm càng tốt, trong vòng 12 giờ đầu sau khi khởi phát cơn gout.

+ Thuốc chống viêm không steroid (hay còn gọi là NSAIDs): Có thể kết hợp các thuốc này với colchicin để tăng hiệu quả tác dụng. Không sử dụng NSAIDs cho những người bị viêm loét dạ dày, suy thận,…

+ Corticoid: Thuốc này chỉ sử dụng trong trường hợp không dùng được colchicin và NSAIDs hoặc điều trị không hiệu quả. Tuy nhiên do nhiều tác dụng không mong muốn nên khuyến cáo chỉ sử dụng corticoid trong thời gian ngắn.

  • Thuốc hạ acid uric máu:

+ Thuốc ức chế quá trình tổng hợp acid uric: Allopurinol có tác dụng làm giảm acid uric máu nhưng không được sử dụng trong cơn gout cấp. Chỉ sử dụng allopurinol khi viêm khớp đã giảm hoặc sau 1-2 tuần sử dụng colchicin. Thông báo cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ của thuốc như dị ứng, sốt, buồn nôn, ban da,…

+ Thuốc tăng đào thải acid uric như: Probenecid, benzbromaron, sulfinpyrazon,… Có thể dùng kết hợp với allopurinol để tăng hiệu quả giảm acid uric. Không sử dụng các thuốc này cho những người có acid uric niệu lớn hơn 600mg trong 24 giờ, người bị suy giảm chức năng thận, người già, gout mạn tính đã có hạt tophi. 

+ Thuốc hủy acid uric: Pegloticase, rasburicase là hai thuốc chính được chỉ định để tăng hủy acid uric trong máu. Những thuốc này có tác dụng giảm nhanh acid uric trong máu nhưng chỉ nên dùng trong trường hợp người bệnh kháng trị với những biện pháp khác, những người đã xuất hiện hạt tophi gây biến dạng khớp.

Su-dung-thuoc-dieu-tri-gout-theo-dung-huong-dan-cua-bac-si.webp

Sử dụng thuốc điều trị gout theo đúng hướng dẫn của bác sĩ

Điều trị bằng phẫu thuật

Trong trường hợp người bệnh có biến chứng loét, nhiễm trùng hoặc kích thước hạt tophi lớn làm trở ngại đến hoạt động và thẩm mỹ thì bác sĩ mới chỉ định phẫu thuật. Nên sử dụng Colchicin khi thực hiện phẫu thuật để tránh khởi phát cơn gout cấp và có thể kết hợp thêm các thuốc làm giảm acid uric máu.

Sử dụng thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh gout

Ngoài việc sử dụng phương pháp tây y để điều trị bệnh gout thì người bệnh có thể sử dụng thêm một số thảo dược từ thiên nhiên để hỗ trợ điều trị bệnh gout hiệu quả hơn. Việc sử dụng các thảo dược từ thiên nhiên không những hỗ trợ điều trị bệnh gout hiệu quả mà còn an toàn, không gây tác dụng phụ cho người sử dụng.

Tuy nhiên, người bệnh nên lựa chọn những thảo dược đã được chứng minh hiệu quả tác dụng và mức độ an toàn cho sức khỏe. Một số thảo dược có tác dụng làm hạ acid uric máu, giảm đau, chống viêm đã được nghiên cứu hiệu quả như: Trạch tả, hoàng bá, nhàu, nhọ nồi, ba kích, thổ phục linh,… Đặc biệt, thảo dược trạch tả đã được chứng minh tác dụng tăng đào thải acid uric nhờ nghiên cứu tại trường Đại học Bắc Kinh Trung Quốc năm 2014. Những thảo dược này có thể kết hợp với thuốc tây y mà không ảnh hưởng xấu tới kết quả điều trị bệnh. Bạn nên kết hợp đồng thời các thảo dược trên để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Mot-so-thao-duoc-co-tac-dung-ho-tro-dieu-tri-benh-gout-hieu-qua.webp

Một số thảo dược có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gout hiệu quả

>>> XEM THÊM: Bị gút có nên ngâm chân không? Top 7 cách ngâm chân trị gút

Một số cách phòng bệnh gout

Gout là bệnh mạn tính gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Vì vậy hãy chủ động phòng ngừa bệnh gout bằng những cách sau:

  • Chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế ăn những loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, hải sản, nội tạng, các loại nấm, đậu hạt. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây, thịt trắng. Đồng thời bạn cần bổ sung đủ nước để giúp thận đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
  • Tập thể dục đều đặn: Rèn luyện sức khỏe hợp lý không chỉ giúp bạn phòng ngừa bệnh gout mà còn tránh được nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên, bạn cần vận động phù hợp để tránh làm tổn thương các khớp.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: Bạn cần tập cho mình một chế độ sinh hoạt lành mạnh, luôn để tinh thần thoải mái, hạn chế thức khuya, tránh sử dụng các chất kích thích, rượu bia. Ngoài ra để ngăn ngừa cơn gout tái phát, bạn nên đi ngủ đúng giờ và đủ giấc.
  • Giữ cân nặng ở mức hợp lý: Tăng cân quá mức cũng làm nồng độ acid uric trong máu cao, vì vậy bạn nên duy trì chế độ ăn phù hợp và kết hợp tập thể dục đều đặn để có cân nặng lý tưởng. Việc giảm cân đột ngột cũng làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Điều này giúp bạn có thể phát hiện sớm được các bất thường trong cơ thể. Việc phát hiện sớm các bệnh gout giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi và giảm các biến chứng của bệnh.

Nen-tap-the-duc-phu-hop-khi-mac-benh-gout.webp

Nên tập thể dục phù hợp khi mắc bệnh gout

Gout là bệnh mạn tính và không thể chữa khỏi nhưng nếu kiểm soát tốt bệnh thì bạn có thể sinh hoạt như người bình thường. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về gout và phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh gout, bạn có thể bình luận hoặc để lại số điện thoại để được tư vấn và giải đáp chính xác nhất.

Tài liệu tham khảo:

https://www.healthline.com/health/gout-complications#tophi 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gout/symptoms-causes/syc-20372897

https://www.nhs.uk/conditions/gout/