Viêm khớp là một bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm khớp ở người bị gout là một trường hợp đặc biệt bởi căn nguyên gây bệnh là do rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể. Do đó, chúng ta cần hiểu và nắm được nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết của viêm khớp do gout để có thể lựa chọn cách điều trị hiệu quả nhất.

Mối liên quan giữa bệnh gout và viêm khớp

Bệnh gout là một dạng bệnh lý gây viêm khớp phổ biến, có liên quan đến việc tăng acid uric máu của cơ thể. Gout thường gặp nhiều ở người trung niên từ 45 tuổi trở lên và 95% trong đó là nam giới.

Nguyên nhân gây viêm khớp ở người bệnh gout 

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp ở người bệnh gout là do sự rối loạn chuyển hóa nhân purin gây tăng acid uric trong máu. Khi nồng độ acid uric tăng cao mà không được đào thải ra bên ngoài sẽ tích tụ trong cơ thể và lắng đọng tại các tổ chức khớp gây viêm với triệu chứng điển hình là sưng, nóng, đỏ, đau. 

Sau một khoảng thời gian dài, có khi 10-20 năm, lượng urat tích tụ tại khớp nhiều sẽ hình thành nên các hạt tophi. Tuy không xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh nhưng việc ngăn ngừa sự lắng đọng tinh thể urat sớm sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng và hạn chế biến chứng nặng nề sau này.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây viêm khớp do gout 

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp ở người bị gout bao gồm:

  • Chế độ ăn: Purin là chất có trong các nhóm đồ ăn nhiều đạm như hải sản, nội tạng động vật, đồ uống có cồn,... Do đó, nếu bạn dùng quá nhiều các loại thức ăn này sẽ gây rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric trong máu. Khi đó, các triệu chứng bệnh gout sẽ trầm trọng hơn và tăng nguy cơ tiến triển thành viêm khớp.
  • Di truyền: Nếu gia đình có người đã từng bị gout hoặc viêm khớp thì bạn cũng sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
  • Bệnh nền: Người có các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, các vấn đề về thận và chuyển hóa sẽ khiến tình trạng bệnh gout nặng hơn và dễ gây ra viêm khớp.
  • Dùng thuốc: Một số thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chẹn beta, aspirin, cyclosporin,... khi dùng có thể gây ra tác dụng phụ làm lượng acid uric trong máu tăng cao.
  • Thừa cân, béo phì: Đây là một trong những nguy cơ phổ biến vì chúng làm tăng áp lực lên khớp, gây nên gout và một số bệnh viêm khớp liên quan khác.

Dung-nhieu-ruou-bia-hai-san-noi-tang-dong-vat-gay-tang-acid-uric-trong-mau.webp

Dùng nhiều rượu bia, hải sản, nội tạng động vật gây tăng acid uric trong máu

Dấu hiệu để phân biệt viêm khớp do gout và các loại viêm khớp khác 

Viêm khớp là biểu hiện của hơn 200 bệnh lý khác nhau có liên quan đến xương khớp. Do đó, ta cần phân biệt được dấu hiệu của viêm khớp do gout và bệnh lý khác để có những biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Viêm khớp dạng thấp: Bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên trở lên, đặc biệt là người trên 70 tuổi. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là cứng khớp, kéo dài khoảng 1 giờ sau khi ngủ dậy vào buổi sáng và diễn biến trên 6 tuần. Đặc điểm phân biệt viêm khớp dạng thấp là sưng, đau tại các vị trí: Khớp cổ tay, ngón chân, bàn ngón tay,... đặc biệt là đau đối xứng cả hai bên khớp của cơ thể. Hình ảnh chụp X-quang thấy các hốc, khuyết ở đầu xương. 

Viêm khớp nhiễm khuẩn: Các loại vi khuẩn xâm nhập vào khớp gây viêm, sưng đỏ và tràn dịch mủ. Người bệnh có triệu chứng sốt cao, kèm đái rắt, đái buốt, tiểu ra máu,... Tiến hành khám và xét nghiệm dịch khớp thấy có vi khuẩn, trên kết quả chụp X-quang có thể thấy hình ảnh soi gương đặc trưng.

Viêm khớp do gout: Đây là tình trạng do tinh thể urat hình kim lắng đọng tại khớp, gây viêm và sưng đau khớp dữ dội. Bệnh viêm khớp được xác định là do gout khi có các cơn đau khớp xuất hiện đột ngột và dữ dội ít nhất hai lần trở lên. Tình trạng viêm chỉ xảy ra ở một khớp trên ngón chân cái, cổ chân hay bàn ngón chân và không đối xứng. Xét nghiệm máu thấy nồng độ acid uric tăng cao trên 420 µmol/l ở nam và trên 360 µmol/l ở nữ. Đồng thời, kết quả hình ảnh X-quang xuất hiện nang dưới vỏ xương và có hình khuyết ở đỉnh đầu xương.

Viem-khop-do-gout-thuong-xuat-hien-dot-ngot-va-gay-dau-du-doi.webp

Viêm khớp do gout thường xuất hiện đột ngột và gây đau dữ dội

>>> XEM THÊM: Xếp hạng 12 thuốc trị gout phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay

Các phương pháp điều trị bệnh viêm khớp do gout
Mục đích của việc điều trị viêm khớp do gout bao gồm cắt các cơn đau cấp và đưa lượng acid uric trong máu về ngưỡng ổn định. Khi đó, khả năng hình thành tinh thể urat gây viêm khớp cũng sẽ giảm.

Cách chữa bệnh gout tại nhà

Có rất nhiều cách để điều trị gout ngay tại nhà giúp giảm tần suất các cơn đau và ngăn bệnh trở nặng hơn như:

Thay đổi lối sống

  • Uống nhiều nước, đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp thận hoạt động tốt hơn, đào thải các chất cặn bã hiệu quả và tránh tình trạng mất nước.
  • Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên để giữ cân nặng hợp lý, giảm áp lực cho các khớp.
  • Tránh các yếu tố gây khởi phát cơn gout cấp như căng thẳng, stress hay chấn thương,...

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Một số thực phẩm và đồ uống có hàm lượng purin cao nên hạn chế dùng bao gồm: 

  • Rượu, bia, các loại đồ uống có cồn.
  • Thịt đỏ và thịt nội tạng (Ví dụ như gan, tim, thịt bò, thịt chó,...).
  • Hải sản.
  • Đồ uống và thức ăn có nhiều đường.
  • Protein từ động vật (vì tất cả các loại protein từ thịt động vật đều có thể dẫn đến tăng acid uric).

Tang-cuong-bo-sung-chat-xo-va-vitamin-cho-nguoi-mac-benh-gout.webp

Tăng cường bổ sung chất xơ và vitamin cho người mắc bệnh gout

Thuốc chữa bệnh gout do bác sỹ chỉ định

Bác sĩ sẽ khám và lựa chọn đơn thuốc trị gout phù hợp với tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể của bạn. Có hai nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị gout là:

Thuốc cắt cơn đau: Giúp bạn giảm nhanh triệu chứng đau khớp và phòng ngừa cơn gout cấp bùng phát bất ngờ. Các thuốc được sử dụng tốt nhất bao gồm nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), Colchicine Corticoid.

Thuốc giảm nồng độ acid uric trong máu: Các thuốc trong nhóm này giúp giảm tần suất tái phát cơn gout cấp và ngăn ngừa sự hình thành hạt tophi. Có 3 loại thuốc với 3 cơ chế tác dụng khác nhau giúp giảm acid uric máu, đó là:

  • Thuốc ức chế enzym xanthin oxidase làm giảm tổng hợp acid uric, gồm các thuốc Allopurinol, Febuxostat,...
  • Thuốc tăng thải acid uric trong máu gồm các thuốc Probenecid, Benzbriodaron,…  
  • Thuốc huỷ urat gồm có Pegloticase và Rasburicase. Các thuốc này có khả năng biến đổi acid uric thành allantoin dễ tan trong nước và nhanh chóng được đào thải ra ngoài.

Allopurinol-la-lua-chon-dau-tay-trong-dieu-tri-viem-khop-do-gout-gay-ra.webp

Allopurinol là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm khớp do gout gây ra

>>> XEM THÊM: Tìm hiểu về phương pháp điều trị bệnh gout theo y học cổ truyền!

Phẫu thuật và vật lý trị liệu

Việc can thiệp phẫu thuật cần thiết khi bệnh gout đã tiến triển nặng và các hạt tophi có kích thước lớn gây biến dạng khớp. Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh vẫn cần phải dự phòng cơn gout cấp bằng Colchicin.

Các phương pháp vật lý trị liệu có thể áp dụng đối với bệnh gout như chườm đá, siêu âm hoặc laser để làm dịu cơn đau khớp. Ngoài ra, kết hợp luyện tập vận động nhẹ nhàng sẽ giúp tăng cường độ dẻo dai cho khớp.

Cách trị viêm khớp do gout từ thảo dược tự nhiên

Bên cạnh việc sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn hợp lý thì người bệnh có thể kết hợp dùng thêm các loại thảo dược giúp giảm lượng acid uric trong máu hiệu quả. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm có thành phần từ thảo dược thiên nhiên đã được chứng minh về tính hiệu quả và độ an toàn để tránh nguy cơ gặp phải tác dụng không mong muốn. Một số thảo dược có tác dụng giúp hạ acid uric máu và ngăn ngừa viêm khớp do gout như:

  • Nhọ nồi: Giúp kháng viêm, giảm đau, tăng đào thải acid uric ra ngoài cơ thể.
  • Trạch tả: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trạch tả có tác dụng tăng chuyển hóa, hỗ trợ lợi tiểu. Đồng thời, trong trạch tả có chứa hoạt chất giúp tăng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, trong đó có acid uric.
  • Ba kích: Đây là thảo dược có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường chức năng thận giúp đào thải acid uric ra khỏi cơ thể hiệu quả.

Trach-ta-la-mot-loai-thao-duoc-giup-ho-tro-ha-acid-uric-mau-rat-hieu-qua.webp

Trạch tả là một loại thảo dược giúp hỗ trợ hạ acid uric máu rất hiệu quả

Viêm khớp do gout là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Để phòng ngừa nguy cơ tái phát và tiến triển nặng hơn, người bệnh gout cần tuân thủ các phương pháp điều trị tại nhà, thay đổi chế độ ăn, dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ và kết hợp sử dụng thêm các loại thảo dược lành tính. Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc thêm một số thông tin về bệnh lý viêm khớp do gout. Nếu bạn có điều gì băn khoăn, thắc mắc, hãy để lại thông tin dưới phần bình luận, các chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp tận tình.

Tài liệu tham khảo:

https://www.healthline.com/health/gout-and-rheumatoid-arthritis

https://www.medicalnewstoday.com/articles/323421#treatments

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4755-gout