Cơn đau do gout đã trở thành nỗi ám ảnh của đa số người bệnh. Mặc dù, có nhiều loại thuốc được áp dụng trong điều trị cơn gout cấp nhưng làm sao để hạn chế các cơn đau gout bùng phát thì không phải ai cũng biết. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về cơn gout cấp.

Tìm hiểu về bệnh gout 

Bệnh gout là một loại viêm khớp gây đau dữ dội, sưng tấy, đỏ và cứng khớp. Bệnh thường xuất hiện ở vị trí khớp ngón chân cái, xương bàn chân, khớp khuỷu tay, cổ tay hoặc các ngón tay. Các giai đoạn tiến triển của bệnh như sau:

  • Tăng acid uric máu không có triệu chứng: Ở giai đoạn này, người bệnh không có bất cứ biểu hiện bên ngoài nào. Tuy nhiên, nồng độ acid uric máu tăng cao có thể gây tổn thương mô thầm lặng.

  • Gout cấp tính: Giai đoạn này xảy ra khi các tinh thể urat tích tụ trong khớp đột ngột tăng cao gây ra tình trạng viêm cấp tính và đau dữ dội. Cơn đau gout cấp tính bùng phát có thể kéo dài từ 3 ngày đến 2 tuần.

  • Khoảng thời gian giữa các cơn gout cấp: Lúc này, các tinh thể urat có thể tiếp tục tích tụ trong mô hoặc các khớp. Khi tình trạng bệnh tiến triển nặng, khoảng thời gian này sẽ rút ngắn hơn.

  • Gout mạn tính: Ở giai đoạn này, tinh thể urat lắng đọng thành các hạt tophi ở các khớp gây viêm, sưng đau dữ dội, phá hủy các khớp xương và có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến khớp. Người bệnh có thể gặp phải biến chứng suy thận, sỏi urat nếu không được điều trị kịp thời. 

viem-khop-co-chan-la-bieu-hien-cua-benh-gout.webp

Viêm khớp cổ chân là biểu hiện của bệnh gout

>>> XEM THÊM: Tổng quan về bệnh gout

Đặc điểm của cơn gout cấp tính 

Cơn gout cấp tính thường xảy ra sau khi người bệnh uống bia, rượu hoặc ăn nhiều thức ăn chứa purin như thịt chó, nội tạng động vật. Một số yếu tố khác như căng thẳng, lao động nặng trong thời gian dài, chấn thương, nhiễm khuẩn,… cũng góp phần gây ra cơn gout cấp. Cơn đau gout cấp thường xảy ra lần đầu ở độ tuổi từ 35-55 và thường gặp ở nam giới.

Cơn gout cấp tính thường xảy ra đột ngột vào ban đêm, gây đau dữ dội khớp ngón chân cái hoặc bàn chân. Người bệnh có thể nhận thấy khớp sưng to, đỏ, sờ nóng, phù nề, căng bóng. Người bệnh có thể bị sốt cao hoặc nhẹ kèm mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu ít và có màu đỏ. Cơn đau khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong việc di chuyển, vận động. 

Cơn đau gout thường kéo dài từ 5-7 ngày, sau đó các triệu chứng sẽ giảm dần. Cơn gout cấp tính xảy ra từ 1-2 lần trong năm, sau đó khoảng cách giữa các cơn ngắn lại. Tuy nhiên cũng có trường hợp lên tới trên 10 năm mới tái phát.

Chẩn đoán cơn gout cấp

Nếu nghi ngờ có dấu hiệu của cơn gout cấp, người bệnh có thể thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh. Khi bùng phát cơn gout cấp, nồng độ acid uric trong máu tăng. Lúc này, người bệnh sẽ được chỉ định hút và kiểm tra bao hoạt dịch của khớp bị sưng đau để tìm tinh thể urat.

Người bệnh được chẩn đoán mắc cơn gout cấp khi có ít nhất 2 tiêu chí sau:

  • Có tinh thể urat trong bao hoạt dịch.

  • Xuất hiện hạt tophi tại khớp bị sưng đau.

  • Tăng acid uric máu (> 70mg/l hay > 416,5 μmol/l).

  • Các triệu chứng viêm khớp rõ rệt, xuất hiện đột ngột, khớp đau dữ dội.

4-tieu-chi-duoc-dung-trong-chan-doan-con-gout-cap.webp

4 tiêu chí được dùng trong chẩn đoán cơn gout cấp

Cách giảm nhanh cơn đau gout cấp tại nhà

Khi cơn gout cấp bùng phát, người bệnh có thể giảm đau gout ngay tại nhà bằng một số biện pháp sau:

  • Chườm đá: Cách này giúp làm dịu cơn đau khớp một cách khá hiệu quả. Người bệnh chỉ cần lấy vài viên đá cho vào chiếc khăn mềm, sau đó chườm lên khớp bị đau khoảng 20-30 phút.

  • Ngâm chân bằng nước ấm: Phương pháp này giúp làm ấm các khớp, tăng cường lưu thông máu. Bên cạnh đó, nước ấm còn giúp hòa tan các tinh thể urat tại các khớp, làm dịu cảm giác đau vùng khớp một cách hiệu quả. Bạn có thể ngâm chân khoảng 20 phút vào buổi tối trước khi đi ngủ. Để tăng hiệu quả giảm đau, bạn có thể đun sôi nước lá tía tô hoặc lá lốt để ngâm chân hàng ngày.

  • Ngâm chân với muối: Lượng magie có trong muối có tác dụng kích thích lưu thông máu, đào thải độc tố trong cơ thể khá hiệu quả. Người bệnh nên ngâm chân với nước muối ấm trước khi đi ngủ nhằm hạn chế cơn đau tái phát vào lúc nửa đêm. Đồng thời giúp cơ thể thư giãn và có giấc ngủ sâu hơn.

  • Bảo vệ các khớp sưng đau: Với biện pháp này, người bệnh nằm trên giường và giữ cho chân cao hơn người bằng cách kê một chiếc gối ở phía dưới. Như vậy sẽ giúp tăng cường lưu thông máu qua các khớp và giảm nhẹ cơn đau gout.

  • Uống đủ nước: Uống nhiều nước giúp cơ thể thanh lọc và đào thải acid uric dư thừa ra bên ngoài. Do đó, người bệnh nên uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc, một số loại nước cũng tốt cho người bị bệnh gout như: Nước ép cam, nước ép dứa, bưởi,...

cac-cach-giup-giam-nhanh-con-dau-do-gout-tai-nha.webp

Các cách giúp giảm nhanh cơn đau do gout tại nhà

Các thuốc điều trị cơn gout cấp

Khi điều trị viêm khớp cho người bệnh đang trong cơn gout cấp, có thể sử dụng các thuốc sau:

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Thuốc được dung nạp tốt và có hiệu quả giảm đau trong vòng vài giờ khi sử dụng với liều cao. Tuy nhiên, các thuốc NSAIDs có thể gây tác dụng phụ loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, tăng kali máu, tăng creatinin và giữ nước. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng cho những người có tiền sử loét dạ dày, người cao tuổi bị bệnh thận. Người bệnh nên tiếp tục sử dụng thuốc trong vài ngày sau khi cơn đau và các triệu chứng viêm đã thuyên giảm để phòng ngừa tái phát.

Colchicin: Là lựa chọn thứ hai sau thuốc NSAIDs vì colchicin có khoảng điều trị hẹp và nhiều độc tính. Thuốc có tác dụng cản trở quá trình thực bào của bạch cầu đối với tinh thể urat. Thuốc đạt hiệu quả cao nếu được sử dụng ngay sau khi khởi phát các triệu chứng của cơn gout cấp. Liều dùng cho người bệnh như sau:

  • Ngày thứ nhất: Uống 2-3 lần/ngày, mỗi lần 1 viên 1 mg và không uống quá 4 viên.

  • Ngày thứ hai: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 1 viên 1mg. 

  • Ba ngày tiếp theo: Uống 1 viên/ngày.

  • Liều duy trì để tránh cơn đau tái phát là 1 viên/ngày, uống trong 3 tháng hoặc có thể dài hơn. Nếu người bệnh bị suy gan, suy thận, suy tủy xương thì khi dùng cần phải điều chỉnh liều và phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Corticosteroids: Thuốc này được sử dụng khi người bệnh không đáp ứng với NSAIDs, colchicin hoặc chống chỉ định hai thuốc trên do có bệnh lý mắc kèm. Người bệnh có thể điều trị bằng cách hút dịch tại các khớp bị tổn thương, sau đó tiêm corticosteroid dạng este tinh thể. Ngoài ra, thuốc cũng được dùng dưới dạng đường uống, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

thuoc-colchicin-thuong-duoc-chi-dinh-de-dieu-tri-con-gout-cap.webp

Thuốc colchicin thường được chỉ định để điều trị cơn gout cấp

>>> XEM THÊM: Cập nhật phác đồ điều trị bệnh gout mới nhất năm 2019

Các biện pháp phòng ngừa cơn gout cấp

Phòng ngừa các cơn gout cấp là điều quan trọng giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.

Dự phòng cơn gout cấp bằng thuốc

Sau khi đã cắt cơn gout cấp, người bệnh cần được điều chỉnh nồng độ acid uric trong máu với mục đích làm cho các hạt tophi nhỏ lại hoặc mất đi, giảm các đợt viêm khớp tái phát và hạn chế biến chứng trên thận.

  • Thuốc tăng đào thải acid uric niệu: Benziodoron với liều từ 1-3 viên/ngày.

  • Thuốc làm giảm tổng hợp acid uric: Allopurinol với liều 2-3 viên/ngày, uống 1 lần trong ngày.

  • Thuốc làm tiêu acid uric trong máu: Uricozym dùng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

Thực hiện lối sống khoa học

Khi đang trong cơn gout cấp, người bệnh cần hạn chế vận động và để cho khớp nghỉ ngơi. Qua đợt viêm cấp, người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng, tránh lo âu, căng thẳng và cần kiểm soát trọng lượng cơ thể ở mức bình thường. 

Đặc biệt, với người bị bệnh gout không nên ăn các thực phẩm giàu purin như các loại thịt đỏ (thịt chó, thịt trâu, bò,…), hải sản, nội tạng động vật trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thay vào đó, người bệnh có thể thay bằng các loại thịt trắng như thịt gà, ngan, vịt.

Người bệnh nên tránh sử dụng rượu bia, ăn nhiều rau xanh và hoa quả chứa nhiều chất xơ như chuối xanh, các loại đậu.

Một số thực phẩm tốt cho người bệnh gout nhờ khả năng làm giảm nồng độ acid uric trong máu như:

  • Cà phê: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống một lượng cà phê vừa phải mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout.

  • Vitamin C: Tiêu thụ một lượng vừa phải vitamin C từ thực phẩm cũng có thể làm giảm nồng độ acid uric. 

  • Trái cây giàu chất chống oxy hóa: Các loại trái cây sẫm màu như quả mâm xôi, quả việt quất, nho, đặc biệt là quả anh đào có thể giúp kiểm soát acid uric.

che-do-an-khoa-hoc-la-dieu-can-thiet-cho-nguoi-benh-gout.webp

Chế độ ăn khoa học là điều cần thiết cho người bệnh gout

Sử dụng thảo dược hỗ trợ ngăn ngừa các cơn gout cấp 

Việc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc tây y trong điều trị bệnh gout lâu dài có thể gây một số tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc. Do đó, các giải pháp từ thảo dược tự nhiên là lựa chọn tối ưu được nhiều người áp dụng. Việc sử dụng thảo dược trong điều trị vừa đảm bảo an toàn khi điều trị lâu dài, vừa làm giảm các triệu chứng viêm, đau và phòng ngừa cơn gout cấp hiệu quả.

Một số loại thảo dược đã được các nghiên cứu chứng minh tốt cho người bệnh gout như:

  • Trạch tả: Nghiên cứu tại trường Đại học Bắc Kinh Trung Quốc đã khẳng định, trạch tả có tác dụng tăng cường chức năng hệ bài tiết, tăng cường đào thải các chất có hại ra khỏi cơ thể, đặc biệt là acid uric.

  • Ba kích: Là vị thuốc thường được sử dụng trong các trường hợp đau nhức xương khớp. Ngoài ra, ba kích còn có tác dụng bổ thận, tăng cường sức khỏe cho người bệnh.

  • Thổ phục linh: Có tác dụng giảm đau xương khớp, trừ phong thấp, lợi xương cốt.

  • Một số vị thảo dược tốt cho người bệnh gout như nhọ nồi, hạ khô thảo, hoàng bá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể và giúp giảm đau, giảm viêm hiệu quả.

Việc sử dụng kết hợp các thảo dược sẽ mang lại hiệu quả hỗ trợ điều trị cao hơn. Do đó, người bệnh có thể lựa chọn các sản phẩm có các thành phần thảo dược trên để dự phòng cơn gout cấp và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

phong-ngua-con-gout-cap-tu-thao-duoc-la-bien-phap-an-toan-hieu-qua.webp

Phòng ngừa cơn gout cấp từ thảo dược là biện pháp an toàn, hiệu quả

Bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về cơn gout cấp, qua đó giúp bạn có thêm giải pháp phù hợp trong điều trị và phòng ngừa bệnh. Người bệnh tuân thủ điều trị và kết hợp sử dụng các thảo dược thiên nhiên để giảm thiểu các cơn gout cấp tính, đảm bảo chất lượng cuộc sống. Hãy để lại số điện thoại hoặc bình luận để được giải đáp thắc mắc bạn nhé!

Tài liệu tham khảo: