Thịt lợn là thực phẩm quen thuộc, được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam. Tuy thịt lợn chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, nhưng người bị bệnh gút có ăn được thịt lợn không vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều độc giả. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản để trả lời cho câu hỏi: "Người bị bệnh gút có ăn được thịt lợn không? Ăn bao nhiêu gam là đủ?.

Người bị bệnh gút cần hạn chế ăn thịt lợn

Theo các chuyên gia, người bị bệnh gút nên hạn chế sử dụng thịt lợn nhưng không nên loại bỏ hoàn toàn loại thực phẩm này ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Bời vì, thịt lợn là một nguồn cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể, bao gồm chất béo, chất đạm, vitamin và các khoáng chất. Cụ thể, trong 100 gam thịt lợn có chứa các thành phần dinh dưỡng như:

  • Với thịt lợn nạc chứa: 7g mỡ, 19g protein, 7mg canxi, 1.5mg sắt, 190mg phosphor, 2.5mg kẽm, 76mg natri, 341mg kali và 2μg vitamin A.
  • Với thịt lợn nửa nạc, nửa mỡ có: 21.5g mỡ, 16.5g protein, 9mg canxi, 1.5 mg sắt, 178mg phosphor, 1.91mg kẽm, 55mg natri, 285mg kali, 10μg vitamin A.
  • Với thịt lợn mỡ có: 37.3g chất béo, 14.5g protein, 8mg canxi, 156mg phosphor, 1.59mg kẽm, 0.4mg sắt, 42mg natri, 318mg kali và 2μg vitamin A.

Có thể thấy, lượng protein, chất béo, vitamin và khoáng chất có trong thịt lợn là rất lớn, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, sinh năng lượng cho hoạt động sống của cơ thể.

thit-lon-giau-rat-giau-duong-chat-tuy-nhien-nguoi-bi-benh-gut-nen-han-che-an-thit-lon.webp

Thịt lợn giàu rất giàu dưỡng chất tuy nhiên người bị bệnh gút nên hạn chế ăn thịt lợn 

Thịt lợn và các loại thịt nói chung thường chứa nhiều nhân purin. Trong 100 gam thịt lợn, trung bình chứa khoảng 150-200mg purin. Nhân purin dưới sự hoạt hóa của enzym xanthin oxidase sẽ bị chuyển hóa thành acid uric.

Nếu người bệnh sử dụng lượng lớn thịt lợn trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể dẫn tới tình trạng tăng acid uric máu làm nặng thêm sự lắng đọng tinh thể urat ở khớp, tăng cơn đau gút. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng thường đề nghị những người bị bệnh gút cần hạn chế ăn thịt lợn, chỉ sử dụng với lượng vừa phải để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Đồng thời đảm bảo cơ thể vẫn được cung cấp đủ protein và các khoáng chất khác.

>>> XEM THÊM: Tổng quan về bệnh gút

Người bị bệnh gút ăn bao nhiêu gam thịt lợn là đủ?

Để tránh tình trạng acid uric máu tăng cao, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người mắc bệnh gút chỉ nên dùng khoảng 50 - 150 gam thịt lợn mỗi ngày và chỉ sử dụng từ 2 - 3 lần trong một tuần. Bên cạnh nguồn protein từ thịt lợn, người bệnh có thể bổ sung protein từ thực vật như đậu phụ, đậu lăng...

Đồng thời, người bệnh nên ưu tiên sử dụng thịt lợn nạc, tránh sử dụng nhiều loại thịt nửa nạc nửa mỡ hay mỡ lợn. Điều này sẽ hạn chế tình trạng tăng lượng chất béo bão hòa không có lợi, gây ảnh hưởng đến quá trình đào thải acid uric của cơ thể. 

Bên cạnh đó, thịt lợn cũng nên được sơ chế sạch trước khi nấu; ưu tiên các món hấp, luộc thay vì chiên rán nhiều dầu mỡ. Trường hợp, người bệnh muốn thưởng thức món xào rán, nên thay thế dầu mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật chứa acid béo không no có lợi cho cơ thể như dầu hạt cải, dầu oliu,…

nguoi-bi-gut-nen-bo-sung-vua-du-luong-thit-lon-trong-khoang-cho-phep.webp

Người bị gút nên bổ sung vừa đủ lượng thịt lợn trong khoảng cho phép

Một số món ăn bổ dưỡng từ thịt lợn cho người bị bệnh gút

Thịt lợn dễ chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng và ngon miệng. Dưới đây, chúng tôi đã liệt kê một số món ăn giàu dinh dưỡng từ thịt lợn kết hợp với các nguyên liệu tốt cho người bị gút như rau cải bẹ xanh, bí đỏ, hạ khô thảo và thổ phục linh.

Cháo bí đỏ thịt băm

Bí đỏ có tính lạnh, vị ngọt, với công dụng trừ nóng, thanh nhiệt, chỉ khát, lợi tiểu tiện. Đây là loại rau củ hầu như không có nhân purin, giàu kali, đồng, mangan và vitamin A, C, K. Bí đỏ là thực phẩm được khuyên dùng cho người bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và acid uric máu cao. 

Cháo bí đỏ thịt lợn băm là một món ăn ngon, bổ dưỡng, người nhà có thể bổ sung vào thực đơn cho người mắc bệnh gút. Nguyên liệu cần có bao gồm 100 gam bí đỏ, 100 gam thịt lợn nạc băm và nửa lon gạo.

Cách tiến hành:

  • Bước 1: Bí đỏ được gọt sạch vỏ, bỏ ruột, rửa sạch rồi thái thành từng miếng nhỏ. Thịt băm được ướp với nửa muỗng hạt nêm, một chút đường, tiêu rồi trộn đều.
  • Bước 2: Vo gạo sạch, thêm nước nấu cháo trắng.
  • Bước 3: Thêm hai muỗng cà phê dầu oliu vào nồi, cho thịt lợn băm đã ướp vào, xào xơ. Khi thịt săn lại, thêm 100ml nước rồi cho bí đỏ vào. Cần đun lửa vừa đến khi bí nhừ ra thì nghiền thật nhuyễn.
  • Bước 4: Cho thịt và bí vừa nấu vào nồi cháo trắng, khuấy đều hỗn hợp, nêm nếm lại vừa ăn, đun thêm 10 phút là hoàn thành món cháo bí đỏ thịt băm bổ dưỡng.

nguoi-bi-benh-gut-nen-an-chao-bi-do-thit-bam.webp

Người bị bệnh gút nên ăn cháo bí đỏ thịt băm

Cải bẹ xanh cuộn thịt lợn hấp

Cải bẹ xanh là một loại rau xanh chứa rất ít nhân purin. Theo đông y, cải bẹ xanh có tác dụng hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu nên giúp hỗ trợ thải trừ acid uric máu. Bên cạnh đó, trong loại rau này còn chứa nhiều vitamin và vi chất quan trọng với cơ thể như vitamin nhóm A, K, B, C, kali, acid folic, carotene,... Kết hợp cải bẹ xanh với thịt lợn nạc là một lựa chọn tuyệt vời trong thực đơn của người bị gút.

Món cải bẹ xanh cuộn thịt hấp có hương vị thơm ngon, giữ được độ ngọt của thịt, hạn chế dầu mỡ béo. Người bị bệnh gút nên ăn cải bẹ xanh cuộn thịt hấp 2 lần/tuần. Các nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm 1 bó cải bẹ xanh, 100 gam thịt lợn nạc xay, 1 củ cà rốt nhỏ, vài nhánh hành lá. Các bước chế biến:

  • Bước 1: Cà rốt rửa sạch, bỏ gốc, thái hạt lựu nhỏ. Hành lá bỏ phần gốc, rửa sạch, rồi cắt nhỏ. Cải bẹ xanh tách lấy những lá lớn, dùng dao loại bỏ phần cuống cứng ở mỗi lá, rồi đem đi rửa sạch, để ráo nước.
  • Bước 2: Cho thịt lợn băm với cà rốt, hành lá vào tô lớn, thêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê dầu hào. Trộn đều hỗn hợp, rồi để yên trong 10 - 15 phút để thịt ngấm gia vị.
  • Bước 3: Lá cải bẹ xanh sẽ được chần sơ, mềm trong nồi nước sôi, sau đó được vớt ra thả vào tô nước đá để rau giữ được độ giòn, màu xanh. Trong khi chần cải, bạn cũng chần mềm vài cọng hành lá để dùng làm dây buộc cuốn thịt.
  • Bước 4: Dùng muỗng múc thịt cho vào lá cải bẹ xanh, cuộn tròn lại rồi cố định bằng dây hành đã chần.
  • Bước 5: Cho các cuốn thịt vào nồi hấp, hấp trong khoảng 15 - 20 phút là có thể bày ra đĩa và thưởng thức.

cai-be-xanh-cuon-thit-lon-hap-la-mon-an-bo-duong-cho-nguoi-bi-benh-gut.webp

Cải bẹ xanh cuốn thịt lợn hấp là món ăn bổ dưỡng cho người bị bệnh gút

Thịt lợn hầm thổ phục linh

Trong cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" xuất bản năm 2004, Gs.Ts.Đỗ Tất Lợi đã chỉ ra thổ phục linh có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau nhức xương khớp, lợi cho gân cốt và giúp tẩy độc cơ thể. 

Đồng thời, theo nhiều nghiên cứu hiện đại, hoạt chất trong thổ phục linh có tác dụng ức chế enzyme xanthine oxidase từ đó giảm sự tạo thành acid uric từ nhân purin. Vì vậy, thổ phục linh đem lại hiệu quả hỗ trợ giảm nồng độ acid uric máu, giảm sự nghiêm trọng của bệnh gút.

Bởi vậy, nếu bạn đang băn khoăn không biết người bị bệnh gút nên ăn gì thì hãy ghi nhớ món canh thịt lợn và thổ phục linh cực tốt này. Một bát canh thịt lợn kết hợp với thảo dược thổ phục linh sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh gút. Nguyên liệu cho món ăn này gồm có 50g thổ phục linh, 100g thịt lợn nạc, vài củ hành tím khô.

Cách chế biến món ăn như sau:

  • Bước 1: Thổ phục linh rửa sạch, gọt bỏ vỏ rồi thái thành các miếng vừa ăn. Thịt lợn rửa sạch rồi đem băm/xay nhỏ. Hành tím rửa sạch, tách bỏ phần vỏ rồi băm nhuyễn.
  • Bước 2: Thịt lợn băm với hành tím cho vào tô, thêm nửa muỗng hạt nêm, nửa muỗng tiêu xay rồi trộn đều, nặn thành các viên nhỏ.
  • Bước 3: Hầm nhừ thổ phục linh trong 500ml khoảng 20 phút, thêm viên thịt vào nồi, đun thêm khoảng 7 - 8 phút rồi nêm nếm lại vừa ăn. Khi thưởng thức, bạn nên ăn cả thịt và nước canh.

thit-lon-ham-tho-phuc-linh-la-mon-an-rat-tot-cho-nguoi-bi-gut.webp

Thịt lợn hầm thổ phục linh là món ăn rất tốt cho người bị gút

Canh thịt lợn nấu với hạ khô thảo

Cũng trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", hạ khô thảo có công năng là thanh nhiệt, làm mát gan, tăng cường sự đào thải độc tố trong cơ thể, từ đó, hỗ trợ quá trình thải trừ acid uric.

Nhờ công dụng này mà món ăn thịt heo hầm hạ khô thảo được rất nhiều người mắc bệnh gút sử dụng. Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu gồm 30g hạ khô thảo, 30g thịt lợn nạc. 

Cách tiến hành:

  • Bước 1: Hạ khô thảo rửa sạch, để ráo nước. Thịt lợn nạc rửa sạch rồi thái thành từng miếng mỏng vừa ăn.
  • Bước 2: Cho hạ khô thảo, thịt lợn vào nồi, thêm khoảng 500ml nước lọc. Đun đến sôi rồi vặn nhỏ lửa đun thêm 20 phút nữa. Sau đó, vớt bỏ hạ khô thảo, nêm nếm vừa ăn, thêm hành lá thái nhỏ là có thể thưởng thức. 

>>> XEM THÊM: Thiết kế thực đơn vàng cho người bệnh gút

Lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho người bị gút

Bên cạnh việc sử dụng thịt lợn với lượng vừa phải, người bị bệnh gút cần lưu ý những điểm sau trong chế độ dinh dưỡng của mình:

  • Uống đủ nước để đảm bảo và tăng cường quá trình thải trừ acid uric máu, tốt nhất nên uống nước khoáng có tính kiềm.
  • Ưu tiên sử dụng các loại thịt màu trắng bao gồm thịt ức gà, thịt cá sông, thịt heo nạc vì có hàm lượng purin thấp hơn.
  • Khi chế biến, nên chọn cách nấu, luộc, hấp để hạn chế lượng dầu, mỡ sử dụng.
  • Tránh sử dụng các thực phẩm giàu purin như thịt bò, tôm, ghẹ, cua, sò, ốc, nội tạng động vật,... khiến acid uric máu tăng cao, làm nặng hơn cơn gút cấp.
  • Một số loại rau như rau cải bắp, rau bina, rau mầm, măng tây hay nấm cũng chứa hàm lượng cao nhân purin cần tránh sử dụng.
  • Hạn chế sử dụng bia, rượu do làm gia tăng sự tạo thành acid uric trong gan đồng thời cản trở quá trình thải acid uric của thận.

nguoi-benh-gut-can-han-che-uong-bia-ruou-de-tranh-gay-tang-acid-uric-mau.webp

Người bệnh gút cần hạn chế uống bia rượu để tránh gây tăng acid uric máu

Bên cạnh những lưu ý trên về chế độ dinh dưỡng, rất nhiều người bệnh lựa chọn các thảo dược thiên nhiên như hạ khô thảo, thổ phục linh, ba kích,… để điều trị gút. Đặc biệt là thảo dược trạch tả. Nghiên cứu tại trường đại học Bắc Kinh Trung Quốc đã cho thấy trạch tả có tác dụng lợi tiểu giúp tăng cường đào thải acid uric. Vì thế, người bệnh nên kết hợp trạch tả cùng các loại thảo dược khác để cải thiện bệnh gút, đồng thời ít gây tác dụng không mong muốn.

Trên đây là những chia sẻ về chủ đề bệnh gút có ăn được thịt lợn không? Nếu bạn vẫn còn những thắc mắc liên quan đến bệnh gút và những phương pháp điều trị gút hiệu quả, hãy để lại bình luận hoặc số điện thoại để được hỗ trợ giải đáp.

Tài liệu tham khảo:

https://www.verywellhealth.com/pork-and-gout-5093354

https://www.livestrong.com/article/534496-eating-pork/

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition