Bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh gút ghé thăm nếu như có chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống kém khoa học như ăn nhiều đạm động vật, hay uống rượu bia, lười vận động…. Trong khi đó, nếu bạn thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thực phẩm ít purin đã có thể giúp giảm 15% nồng độ acid uric máu. Mời các bạn đọc cùng tìm hiểu bài viết sau để xây dựng thực đơn tối ưu cho bản thân giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh gút.
Chỉ tiêu cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng cho người bệnh gút
Ở thế kỷ XIX, các nhà khoa học chứng minh việc tăng acid uric chính là nguyên nhân gây ra bệnh gút. Acid uric được hình thành trong cơ thể người chính từ nguồn gốc nội sinh - hình thành do sự thoái biến các acid nucleic của tế bào hoặc từ các nguồn purin ngoại sinh, trong đó việc chuyển hóa từ thức ăn đạm chứa gốc purin (100 – 200 mg/ngày) chiếm ưu thế hơn cả. Do đó, chính từ việc cải thiện và điều chỉnh thực đơn hằng ngày sẽ giúp người bệnh hạn chế nguy cơ và phòng tránh các cơn đau gút tái phát.
Sau đây chính là các nguyên tắc xây dựng thực đơn hiệu quả cho người bệnh gút:
Hạn chế thực phẩm nhóm giàu đạm: chỉ nên tiêu thụ khoảng 10% tổng giá trị dinh dưỡng của thức ăn.
Hầu hết các nhóm thực phẩm giàu đạm là cách nhận biết tương đối cho nhóm thực phẩm giàu purin. Do đó, người bệnh nên giảm tiêu thụ nhóm 50mg % purin (trong 100g thực phẩm có chứa 50mg purin): thịt bò, thịt gà, thịt trâu, tôm cua ốc, các loại họ đậu và các chế phẩm từ đậu như: đậu phụ, đậu hũ, sữa đậu nành,…Tránh xa nhóm thực phẩm trên 150mg% purin như: gan, thận, tim, não động vật, thịt ngỗng, cá cơm, cá mòi, cá thu, cá trích,…
Nhóm thực phẩm chất béo: Tổng lượng chất béo tiêu thụ hằng ngày không nên vượt quá 20% tổng giá trị dinh dưỡng.
Chất béo có mặt chủ yếu trong dầu, bơ và mỡ của động vật và thực vật, nhóm chất này cung cấp năng lượng và cần thiết cho cấu tạo tế bào. Tuy nhiên, chất béo của thực vật là chất béo không bão hòa nên thường tốt cho sức khỏe hơn là nhóm chất béo từ động vật (nhóm chất béo bão hòa). Bạn nên sử dụng dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng và không nên sử dụng dầu hạt hướng dương và dầu đậu nành vì hạt hướng dương và đậu nành có hàm lượng purin khoảng 50mg% - không có lợi cho người bệnh gút. Do đó, bạn nên dùng dầu thực vật cho chế biến thức ăn thay vì là mỡ hay dầu động vật.
Nhóm thực phẩm carbohydrat (đường bột): Tổng lượng dinh dưỡng của nhóm đường bột nằm trong khoảng 70% tổng giá trị dinh dưỡng.
Nhóm đường bột cung cấp hầu hết nguồn năng lượng cho cơ thể và nhiều phần nhất trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh gút. Vì đa số các thực phẩm đường bột chỉ chứa hàm lượng purin dưới 20mg%. Do đó, bạn có thể chọn bất kỳ loại thực phẩm giàu tinh bột nào như: cơm, phở, bún, mì, khoai, sắn, ngô…
Nhóm rau xanh, củ quả: Với nhóm thực phẩm này bạn có thể sử dụng thoải mái. Các loại rau xanh và củ quả có hàm lượng purin thấp, chỉ trong khoảng 20-25mg%. Tuy nhiên, bạn phải hạn chế các thực phẩm sau vì chứa nhiều hơn 50mg%: mầm giá đỗ, súp lơ, cải bó xôi, bắp cải, bí ngô, nấm hương, tránh nấm rơm và măng tây.
Nhóm đồ uống: uống từ 2-3 lít nước (tốt nhất là nước lọc), hạn chế đến mức tối thiểu các loại rượu bia, các loại nước ngọt, cà phê, trà xanh,…
Bích Phương