Gút mạn tính là khi bệnh đã tiến triển nặng. Ở giai đoạn này, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Nhận biết sớm các triệu chứng bệnh gút mạn tính sẽ giúp bạn có phương pháp kiểm soát kịp thời mang tới hiệu quả cao. Vậy đâu là triệu chứng của bệnh gút mạn tính? Mời bạn tìm hiểu thông tin hữu ích trong bài viết sau!
Bệnh gút mạn tính là gì?
Bệnh gút là tình trạng viêm khớp phát triển ở người có nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Axit uric có thể hình thành các tinh thể giống như kim trong khớp và gây ra các cơn đau dữ dội.
Bình thường, lượng axit uric dư thừa sẽ được thận bài tiết ra khỏi cơ thể, khoảng 80% qua đường nước tiểu, 20% qua đường tiêu hóa và mồ hôi. Khi chức năng thận suy giảm sẽ khiến axit uric dư thừa không được đào thải ra ngoài và gây tăng axit uric máu. Khi axit uric trong máu tăng cao một thời gian dài, chúng lắng đọng, tích tụ tại khớp và gây cơn đau bệnh gút.
Bệnh gút mạn tính phát triển ở những người bị gút có nồng độ axit uric trong máu tăng cao nhiều năm và không có phương pháp để kiểm soát bệnh tốt. Ở giai đoạn mạn tính, các cơn đau gút trở nên thường xuyên hơn. Nếu người mắc bệnh gút vẫn không có cách để kiểm soát bệnh thì nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Có một số nguyên nhân gây bệnh gút và khiến bệnh ngày càng nặng, dễ tiến triển sang giai đoạn mạn tính bao gồm:
- Do chế độ ăn thiếu lành mạnh: Chế độ ăn nhiều thịt, hải sản, sử dụng đồ uống có đường, rượu, bia dễ làm tăng axit uric máu và gây cơn đau bệnh gút. Khi bị gút, nếu bạn không có chế độ ăn uống hợp lý thì bệnh rất dễ tái phát và chuyển sang giai đoạn mạn tính.
- Bị thừa cân, béo phì: Nếu thừa cân, cơ thể bạn sẽ sản xuất nhiều axit uric hơn và thận gặp khó khăn trong việc loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Điều này khiến bệnh gút ngày càng tiến triển nặng hơn.
- Mắc một số bệnh như: Huyết áp cao, bệnh tiểu đường, hội chứng chuyển hóa và các bệnh về tim, thận cũng có thể khiến bạn bị bệnh gút mạn tính.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc giảm đau,… đều có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, khiến bệnh gút dễ tái phát hơn.
Triệu chứng bệnh gút mạn tính
Về cơ bản, triệu chứng bệnh gút mạn tính vẫn giống như ở giai đoạn cấp tính, nhưng có xu hướng nặng hơn cả về mức độ đau và thời gian tái phát cơn đau. Dưới đây là những biểu hiện bạn không thể bỏ qua:
- Xuất hiện hạt tophi: Hạt tophi được coi là biểu hiện dễ nhận thấy nhất ở người mắc bệnh gút mạn tính. Các hạt tophi thường xuất hiện tại khớp ngón tay, khuỷu tay, khớp ngón chân, đầu gối, quanh vành tai,…
- Viêm khớp nặng: Tình trạng viêm khớp nặng hơn, khớp sưng, đau dữ dội với tần xuất tái phát nhiều lần trong tháng. Ở mức độ nặng, người mắc bệnh gút có thể bị đau liên tục, không theo từng đợt.
- Ảnh hưởng tới nhiều khớp hơn: Cơn đau xuất hiện ở nhiều khớp cùng một lúc được gọi là đau gút đa khớp. Các khớp dễ bị ảnh hưởng là khớp bàn chân, cổ chân, đầu gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay…
- Chỉ số axit uric cao, thường ở mức khoảng 580 - 700 micromol/lít.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh gút giai đoạn cuối
Không chỉ đối mặt với cơn đau gút nặng nề hơn trong thời gian kéo dài, người bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong. Dưới đây là những biến chứng của bệnh gút ở giai đoạn mạn tính bạn không thể coi thường.
- Tàn phế: Cơn đau gút có thể ảnh hưởng đến quá trình đi lại, vận động, công việc và các hoạt động hàng ngày khác. Ngoài ra, tổn thương khớp do cơn đau gút lặp đi lặp lại còn có thể gây ra tình trạng tàn phế, khiến người bệnh không thể đi lại được.
- Biến dạng khớp: Ở giai đoạn mạn tính, các cơn đau khớp sẽ tái phát thường xuyên hơn. Hạt tophi hình thành, không được kiểm soát sẽ bị vỡ, viêm, loét, gây thiệt hại cho mô khớp. Khớp có thể đi ra khỏi sự liên kết vốn có và trở nên bất động.
- Hình thành bệnh sỏi thận: Các tinh thể muối urat có thể hình thành ở thận, tạo sỏi thận gây đau đớn. Trong thực tế, khoảng 15% người mắc gút sẽ phát triển sỏi thận. Hơn nữa, sự tích tụ axit uric trong cơ thể có thể làm suy thận theo thời gian.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Nghiên cứu cho thấy, bệnh gút làm tăng nguy cơ đau tim ở nam giới lên 26% và phụ nữ mắc bệnh gút phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ tăng lên 39%. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng để hiểu được mối liên hệ này, nhưng nồng độ axit uric trong cơ thể cao có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Mai Trang