Gà là loài gia cầm được nuôi phổ biến nhất trên thế giới, mùi vị của các loại thực phẩm chế biến từ thịt gà rất thơm ngon và đa số phù hợp với khẩu vị của nhiều người chính vì vậy mà thực phẩm từ thịt gà rất được ưa thích và có mặt trong các bữa ăn của mọi gia đình. Giá trị dinh dưỡng từ thịt gà mang lại cũng rất cao đặt biệt là hàm lượng protein. Vậy những người mắc bệnh gút có nên sử dụng thực phẩm từ thịt gà?
Giá trị dinh dưỡng của thịt gà đối với người bệnh gút
Thịt gà là một loại thực phẩm rất giàu protein, cứ khoảng 3.3 gam thịt sẽ chứa khoảng 1 gam protein. Ngoài ra, thịt gà còn chứa tất cả các loại vitamin B (B1, B2, B3, B5, B6, B12) cùng rất nhiều các acid amin có chứa lưu huỳnh và chuỗi acid amin phân nhánh, có tác dụng hỗ trợ quan trọng cho sức khỏe của tim và hệ cơ xương. Ngoài ra, thịt gà còn có rất nhiều khoáng chất như kẽm, magie, đồng, sắt,… các khoáng chất này sẽ giúp cơ thể ngăn chặn lại các bệnh xương khớp như loãng xương, viêm khớp. Đặc biệt trong số các khoáng chất có trong thịt gà thì 2 khoáng chất selenium và phốt pho có tác dụng rất tốt cho bệnh nhân gút. Hàm lượng selenium có trong thịt gà rất cao, đóng vai trò quan trọng trong hiệu suất chuyển hóa của các cơ quan bài tiết như thận, gan. Selenium có tác dụng giảm nồng độ acid uric trong máu và hạn chế sự kết tủa của acid uric ở các khớp và các cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, phốt pho là một khoáng chất rất cần thiết – không chỉ hỗ trợ răng và hệ xương phát triển vững chắc mà còn giúp tăng khả năng bài tiết của gan và thận.
Người bệnh gút phải có chế độ ăn thịt gà trong tầm kiểm soát
Các thực phẩm từ thịt gà mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch và cả hệ xương khớp. Tuy nhiên, thịt gà lại chứa hàm lượng đạm purin khá cao nên người bệnh gút cần phải kiểm soát lượng thịt gà trong khẩu phần ăn để không làm tăng nồng độ acid uric máu. Cụ thể hàm lượng purin chứa trong thịt gà như sau: khoảng 175 mg acid uric/100 g thịt ức gà và da ga; khoảng 110 mg acid uric /100 g chân gà.
Theo khẩu phần dinh dưỡng dành cho người bệnh gút thì chỉ nên tiêu thụ không vượt quá 110mg - 175mg mỗi ngày. Vì vậy, đối chiếu với khẩu phần dinh dưỡng này thì người bệnh gút chỉ nên tiêu thụ tối đa 100 gam thịt gà/ngày. Ngoài ra, cách chế biến thịt gà cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự biến đổi hàm lượng purin trong thực phẩm, các nhà dinh dưỡng học đã khuyến cáo chúng ta có thể chế biến thịt gà bằng cách bỏ da rồi nướng hoặc luộc và hạn chế phương pháp chiên vì sẽ làm tăng hàm lượng hợp chất không tốt cho sức khỏe cho người bệnh gút. Đồng thời, người bệnh gút khi ăn thực phẩm từ thịt gà nên ăn kèm nhiều loại rau xanh như xà lách, cải xanh.
Do đó, trái ngược với suy nghĩ người bệnh gút là không được ăn thịt gà thì thịt gà là loại thịt nên sử dụng nhưng cần có chế độ ăn hợp lý và chế biến đúng cách.
Tuyết Cơ.