Gút - một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin, làm tăng acid uric máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urat tại các khớp gây ra tình trạng viêm khớp. Việc ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng điều trị bệnh gút. Nhiều ý kiến cho rằng người bệnh gút nên sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa và cũng có ý kiến ngược lại. Vậy ý kiến nào là đúng? Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn trả lời các câu hỏi đó.

Sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa liệu tốt cho người bệnh gút?

Từ lâu đời, con người đã biết đến và sử dụng sữa, đồng thời còn chế tạo ra các thực phẩm khác nhau từ sữa như pho mát, sữa chua. Trong thành phần của sữa có orotic - một chất giúp tăng sự bài tiết acid uric qua thận. Ngoài ra, sữa và các sản phẩm sữa có chứa các protein là casein và lactalbumin gây ra hiệu ứng "uricosuric", giúp chống lại sự tiến triển của bệnh gút. Do đó, trong những năm gần đây các sản phẩm sữa đã được sự công nhận của cộng đồng y tế là một yếu tố dinh dưỡng quan trọng trong việc giảm nguy cơ phát triển bệnh gút.

Năm 2012, các nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu trên 120 bệnh nhân gút trong vòng 3 tháng. Họ nhận thấy sữa ít béo, sữa được tách kem có thể làm giảm lượng acid uric máu vì trong loại sữa này có chứa lượng purin thấp và sữa lại có thể làm giảm hoạt động của xanthine oxidase - chính các enzyme tham gia vào việc sản xuất acid uric. Hơn nữa, sữa còn có đặc tính chống viêm nên có thể giúp bệnh nhân gút tránh các cuộc tấn công bệnh gút.

95.jpg

Người mắc bệnh gút nên uống sữa

Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Y học New England vào năm 2004 cũng đã kết luận rằng các thực phẩm bao gồm sữa, pho mát và sữa chua làm tăng sự bài tiết acid uric và giảm sự phát triển của bệnh gút. Tuy nhiên, năm 1991 các nhà khoa học tại Quebec, Canada đã chứng minh rằng đậu nành và sữa đậu nành lại không có tác dụng tốt tương tự như sữa, mà thực sự đậu nành còn làm tăng nồng độ acid uric lên nhưng tăng không đáng kể.

Trong một nghiên cứu của Mỹ trong vòng 6 năm, được thực hiện trên khoảng 15.000 người, uống một ly sữa mỗi ngày. Kết quả thật bất ngờ, khi nồng độ acid uric của những người này đã có một sự cải thiện đáng kể thấp hơn khoảng 25 mg/dl so với mức trung bình! Trong cùng nghiên cứu còn cho thấy người ăn các loại pho mát còn có nồng độ acid uric máu thấp hơn hẳn. Ngoài ra, sản phẩm sữa chua chứa các vi khuẩn sống như probiotics cũng rất tốt, chính các vi khuẩn đã giúp hỗ trợ đào thải đến ⅓ lượng acid uric trong đường ruột.

Từ các nghiên cứu trên đã khẳng định lợi ích của các loại sữa nhất là sữa ít béo, các sản phẩm như pho mát và sữa chua rất có lợi cho sức khỏe người bệnh gút. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, uống 4 cốc sữa mỗi ngày có thể giúp bạn giảm nguy cơ bệnh gút lên đến 40%! Do đó, các trung tâm y tế hàng đầu điều trị bệnh gút đã đề nghị các bệnh nhân nên sử dụng sữa và các sản phẩm sữa để giảm các triệu chứng của bệnh gút.