Đa số mọi người đều nghĩ rằng, bệnh gút chỉ xuất hiện ở nam giới, chính vì vậy mà rất nhiều phụ nữ không phòng ngừa bệnh. Thậm chí, khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, các chị em cũng chủ quan không đi khám. Do đó, khi họ phát hiện ra gút thì bệnh đã tiến triển ở giai đoạn nặng.

Tại sao phụ nữ vẫn mắc bệnh gút?

Cuộc điều tra sức khoẻ của Hoa Kỳ năm 2008 cho thấy, có 4% phụ nữ trong độ tuổi 60 và 6% phụ nữ 80 tuổi mắc bệnh gút. Trong số bệnh nhân mắc gút dưới 65 tuổi, có tới 25% là phụ nữ. Sau tuổi 65, khoảng cách thu hẹp một cách đáng kể, cứ 3 người đàn ông bị gút thì lại có 1 phụ nữ mắc bệnh. Độ tuổi trung bình của phụ nữ mắc bệnh gút so với nam giới thường cao hơn từ 7 đến 12 tuổi, tương đương tầm độ tuổi từ 37 đến trên 42 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh gút ở phụ nữ đạt đỉnh điểm từ 80 tuổi trở lên.
Trong một nghiên cứu phân tích bệnh gút theo giới tính, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng: Béo phì, huyết áp, tuổi già, uống rượu bia và sử dụng thuốc lợi tiểu… được coi là những yếu tố nguy cơ đối với nam giới cũng như phụ nữ. Đặc biệt, tình trạng tăng huyết áp ở phụ nữ cao hơn hẳn nam giới và thường được điều trị bằng thuốc lợi tiểu, vì vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.

Một phần ngày nay do quan niệm của xã hội đã thay đổi, vị thế của người phụ nữ được nâng cao với quyền nam nữ bình đẳng,… nên có lẽ, một số bệnh tưởng chừng chỉ xuất hiện ở nam giới nay cũng chuyển dần sang phụ nữ. Các chị em cũng thường xuyên sử dụng bia rượu, thuốc lá, các chất có cồn khác ngày một nhiều hơn. Với việc uống khoảng 5 ly rượu trong thời gian một tuần, sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh gút ở nam giới, nhưng ở phụ nữ sẽ lại tăng gấp 3 lần. Còn việc uống nhiều bia thì sao?
Bạn sẽ không thể tin nổi, khi kết quả trong nghiên cứu cho thấy, nam giới chỉ bị tăng nguy cơ gấp đôi nhưng vấn đề này lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở phụ nữ lên tận 7 lần! Đây cũng là nguyên nhân khiến thận suy yếu và thoái hóa, dẫn đến gút và một số bệnh liên quan khác.
Bên cạnh đó, cũng giống như nam giới, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh gút ở phụ nữ là thừa cân và béo phì. Bệnh gút phát triển mạnh một phần do lượng đạm trong cơ thể dư thừa, khiến nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 3 lần so với bình thường.
Khoa học cũng đã chỉ ra rằng, hoocmon nội tiết tố nữ estrogen nắm vai trò cực kì quan trọng trong việc kiểm soát lượng acid uric của phụ nữ. Chính vì vậy mà hầu như phụ nữ đều có khả năng miễn dịch với loại bệnh này. Thế nhưng, khi bước sang thời kì mãn kinh, lượng estrogen suy giảm nghiêm trọng làm cho việc kiểm soát acid uric không còn ổn định như trước, cộng với các nguyên nhân trên khiến tăng tỷ lệ mắc gút ở nữ giới.

Bích Phương