Axit uric trong máu cao không chỉ là nguyên nhân gây bệnh gút mà còn là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Vậy khi xét nghiệm thấy chỉ số axit uric 500 micromol/lít thì có nguy hiểm không và làm sao để cải thiện hiệu quả? Mời bạn tìm hiểu thông tin hữu ích trong bài viết sau.
Axit uric trong máu là gì?
Axit uric là sản phẩm của quá trình chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi tế bào chết đi, nhân của nó sẽ bị phá hủy và hình thành axit uric. Đây là nguồn axit uric nội sinh. Ngoài ra, những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (nhất là thịt đỏ, nội tạng, hải sản…) cũng chứa nhân purin, khi ăn vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric.
Axit uric được đào thải 80% nhờ thận qua đường niệu, 20% qua đường tiêu hóa và da. Trong quá trình chuyển hóa, khi nguồn tạo thành axit uric nhiều nhưng thải ra ít thì sẽ làm cho chúng bị giữ lại trong máu, kết tinh thành những tinh thể muối urat có hình kim sắc nhọn ở khớp và gây ra triệu chứng bệnh gút.
Lượng axit uric máu nhỏ hơn hoặc bằng 70 mg/l (420 micromol/lít) với nam và 60 mg/l (360 micromol/lít) với nữ là chỉ số bình thường. Nếu vượt qua chỉ số này thì chứng tỏ bạn đang bị tăng axit uric máu.
Nguyên nhân làm tăng axit uric trong máu
Các yếu tố làm tăng nguy cơ dư thừa axit uric trong máu có thể kể tới như:
- Mắc bệnh về thận: Thận có nhiệm vụ đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, trong đó có axit uric. Khi thận gặp vấn đề, nó sẽ không thể làm tốt nhiệm vụ của mình và hậu quả là khiến chỉ số axit uric trong máu tăng cao.
- Chế độ ăn giàu purin: Ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhân purin (thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật) sẽ khiến cơ thể tổng hợp nhiều axit uric hơn. Đây cũng chính là lý do mà người thường xuyên ăn nhiều thịt, hải sản sẽ có nguy cơ bị tăng axit uric trong máu cao hơn.
- Sử dụng nước ngọt chứa fructose: Lượng fructose cao trong thức ăn và đồ uống sẽ làm tăng sản xuất purin. Ngoài ra, fructose còn cạnh tranh bài tiết với axit uric. Chính vì vậy, uống quá nhiều nước ngọt đóng chai cũng là lý do khiến bạn bị tăng axit uric trong máu và có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn.
- Do di truyền: Ở một số người, bệnh gút không đến từ thói quen ăn uống hay sinh hoạt hàng ngày mà do gen, khiến cơ thể họ sản xuất lượng axit uric cao hơn bình thường. Tăng axit uric máu do di truyền thường phức tạp và khó khắc phục hơn những nguyên nhân khác.
Chỉ số axit uric 500 micromol/lít có đáng lo ngại không?
Nếu có chỉ số axit uric 500 micromol/lít thì chứng tỏ bạn đang bị tăng axit uric máu. Theo chuyên gia, chỉ số axit uric 500 micromol/lít không quá đáng lo ngại vì nếu có chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh thì bạn hoàn toàn có thể đưa chỉ số này về mức cho phép. Tuy nhiên, bạn cũng không được phép chủ quan bởi axit uric trong máu tăng có thể là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe như:
- Bệnh gút: Bệnh gút là bệnh mạn tính đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tính tái phát. Người bệnh thường bị đau khớp đột ngột vào giữa đêm. Tình trạng tăng axit uric máu không được kiểm soát tốt, bệnh gút sẽ tái phát nhiều với mức độ đau ngày càng nặng. Cuối cùng, bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe, thậm chí khiến người mắc bị tàn phế.
- Bệnh về thận: Nồng độ axit uric trong máu tăng cao và được đào thải qua đường nước tiểu là điều kiện thuận lợi để muối urat lắng đọng tại hệ thống dẫn niệu, gây sỏi tiết niệu. Cũng có khi, nhiều người không biết thận đang bị tổn thương nên vẫn dùng các thuốc giảm axit uric máu làm thận nhiễm độc, hậu quả là bị suy thận - một bệnh lý nguy hiểm gây tử vong hàng đầu hiện nay.
- Tăng huyết áp: Nồng độ axit uric trong huyết thanh cao có thể thúc đẩy tăng huyết áp thông qua những thay đổi được tạo ra trong nội mô của mạch máu. Người ta thấy rằng, tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp bị tăng axit uric máu chiếm từ 25 - 60%.
- Bệnh đột quỵ: Tăng axit uric có thể là yếu tố nguy cơ dẫn tới đột quỵ. Nguyên nhân là do tinh thể urat lắng đọng ở những mảng xơ vữa trong lòng mạch máu, gây tổn thương hệ mạch, giảm lưu thông máu, tổn thương van tim. Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm, dễ gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.
- Ảnh hưởng tới chức năng tình dục: Theo các nhà khoa học, nam giới bị yếu sinh lý có hàm lượng axit uric cao hơn so với người bình thường. Cứ 1 mg/dL axit uric trong huyết thanh sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ suy giảm chức năng tình dục.