Bệnh gút là một bệnh rối loạn chuyển hóa đạm purin, mà một trong những nguyên nhân chính gây ra chính là nguồn thức ăn do bệnh nhân sử dụng. Chúng ta thường nghe rằng bệnh nhân gút phải có chế độ ăn kiêng hợp lý với các loại thực phẩm riêng. Vậy thế nào là chế độ ăn hợp lý? Hãy cùng tìm hiểu các vấn đề này qua bài viết sau nhé.
Chế độ ăn uống thích hợp cho người mắc bệnh gút
1. Trong giai đoạn các cơn đau cấp tính tấn công người bệnh gút
Trong giai đoạn này, những tinh thể muối urat đã tích tụ tại các khớp và lắng đọng thành mảng tinh thể có hình kim gây nên những triệu chứng sưng, nóng đỏ và kèm theo là những cơn đau dữ dội xuất hiện một cách đột ngột. Các triệu chứng này bùng phát nhanh trong vòng 6 đến 24 giờ, các đợt đau khớp thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày, sau đó những cơn đau này sẽ biến mất và những khớp bị sưng, đau sẽ có cảm giác bình thường trở lại.
Ở giai đoạn này, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hạn chế hấp thu đạm purin, mỗi ngày người bệnh nên sử dụng 50-70 gram và không quá 150mg purin. Người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chứa lượng purin thấp như: các loại bột ngũ cốc, sữa, các loại trứng (trừ trứng lộn), các loại dầu mỡ (dầu thực vật, hạt dưa, mỡ bò, bơ, hạnh nhân…), đồng thời nên ăn nhiều rau quả và tăng cường uống nhiều nước, tốt nhất là khoảng 3 lít mỗi ngày, để giúp tăng cường đào thải nồng độ acid uric dư thừa ra ngoài cơ thể.
2. Trong giai đoạn không có sự tấn công của các cơn gút cấp
Giai đoạn này, các đợt tấn công của gút không còn thường xuyên và cũng không theo chu kỳ, lúc này các khớp hoạt động hoàn toàn bình thường và bệnh nhân sẽ không còn cảm giác đau, sưng ở các khớp nữa. Tuy nhiên, các tinh thể muối urat vẫn đang âm thầm tích tụ và hình thành ở các khớp. Các cơn đau này thường sẽ không tái phái nếu nồng độ acid uric máu được duy trì ở mức 6.0 mg/dl.
Do đó, người bệnh vẫn phải kiêng ăn những thức ăn chứa purin cao như : Các loại thịt đỏ, nội tạng như như thịt bò, gan, tim, thận, dạ dày, não, tì của động vật, thịt muối, các loại cá mè, cá thu, cá trích,… và hạn chế nhất là rượu bia. Hạn chế ăn các thức ăn chứa lượng purin ở mức trung bình và ăn như bình thường các loại thức ăn ít purin. Tuy nhiên, không nên ăn quá 120g các loại thịt nói chung mỗi ngày, nhất là không nên ăn quá nhiều thịt trong một lần ăn. Mặc dù vậy, vẫn phải tùy thuộc vào sự đào thải và hấp thu protein của thận mà lượng tiêu thụ protein từ thịt có thể ít hơn 120g. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên bổ sung khoảng 500g – 600g các loại rau củ và khoảng 100g – 200g trái cây mỗi ngày.
Thùy Tuyết