Gút là một bệnh viêm khớp rất thường gặp trong xã hội hiện đại do chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Rất nhiều người luôn băn khoăn không biết bệnh gút có di truyền không? Nếu cũng đang có thắc mắc này thì mời bạn cùng tìm lời giải đáp qua bài viết sau nhé!
Nguyên nhân gây đau gút là gì?
Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh gút được cho là do sự tích tụ quá nhiều axit uric trong cơ thể. Axit uric được sinh ra từ sự phân hủy của purin – một hợp chất có sẵn trong cơ thể và ở một số thực phẩm mà chúng ta vẫn ăn hàng ngày như: Thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật,…
Gút thường gây đau đầu tiên ở ngón chân cái, sau đó, tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới các khớp khác như: Mắt cá chân, bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, cổ tay, và các khớp nhỏ của bàn tay. Đau thường diễn tiến nặng nề nhất vào khoảng 2 - 3 ngày đầu tiên, sau đó mức độ giảm dần và hết đau sau 7 – 10 ngày. Nếu không được chữa trị kịp thời, trong giai đoạn tiếp theo, các cơn đau cấp sẽ gây tổn thương nhiều khớp hơn, làm mất khả năng vận động.
Bệnh gút có di truyền không?
Bệnh gút có di truyền không là thắc mắc của không ít người. Như bạn đã biết, nguyên nhân gây đau gút chủ yếu là do chế độ ăn uống không hợp lý gây ra. Tuy nhiên, yếu tố di truyền cũng được xem là một trong những thủ phạm phổ biến.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng, đau gút có liên quan tới 5 gen trong cơ thể, đó là gen HGPRT1; 1 gen tại gan là Glc6-photphat và 3 gen có trong tinh hoàn của nam giới là: PRPPs1,PRP Ps2, PSP Ps3. Bởi vậy, nếu trong gia đình có người bị gút thì nguy cơ bạn mắc phải căn bệnh này sẽ rất cao. Tỷ lệ mắc gút di truyền ở nam giới cao hơn nữ giới gấp 3 lần.
Nhiều thống kê cho thấy, tỷ lệ người bị gút qua di truyền chiếm 25%. Nếu trong gia đình có cả bố và mẹ đều bị gút thì nguy cơ mắc bệnh này của con cái sẽ là 45%. Trong trường hợp những cặp sinh đôi cùng trứng thì khả năng mắc gút do di truyền cao hơn người bình thường gấp 3 lần.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu xem di truyền ở người mắc gút là do gen nào để có những giải pháp nhằm phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả.
Bệnh gút có chữa khỏi được không?
Gút là một bệnh mạn tính và hiện chưa có thuốc đặc trị hay phương pháp có thể cải thiện triệt để. Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng bởi gút có thể được kiểm soát nếu áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Để giảm axit uric máu, ngăn ngừa gút tái phát, bạn cần lưu ý:
- Hạn chế sử dụng những thực phẩm giàu đạm có gốc purin như: Hải sản, phủ tạng động vật, thịt có màu đỏ,…
- Giảm các thực phẩm giàu chất béo như: Mỡ, da động vật, thức ăn chiên, đồ ăn nhanh,…
- Hạn chế sử dụng thực phẩm như: Măng tre, măng trúc, măng tây, nấm, giá, bạc hà vì chúng sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp axit uric trong cơ thể.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, đồ uống có gas, nước ngọt nhiều đường vì sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, một trong những yếu tố làm tình trạng đau gút nặng nề hơn.
- Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả giàu chất xơ.
- Uống đủ 6 - 8 ly nước mỗi ngày để tăng cường đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.
Mai Trang