Bệnh gout là một tình trạng viêm khớp phổ biến với những biểu hiện sưng đau ở khớp ngón chân cái, đầu gối, ngón tay,... làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của người mắc. Nguyên nhân trực tiếp gây ra gout là do sự lắng đọng tinh thể urat tại khớp. Vậy tinh thể urat là gì và hình thành như thế nào? Làm cách nào để loại bỏ chúng? Cùng đọc bài viết dưới đây để giải đáp những thắc mắc đó.

Sự hình thành của tinh thể urat

Tinh thể urat là một dạng tinh thể hình kim, nhọn được tạo thành khi lượng acid uric trong máu tăng cao mà không được đào thải kịp thời ra ngoài. Do đó, các tinh thể này tích tụ và lắng đọng tại tổ chức khớp như ngón chân cái, đầu gối, mắt cá chân, cổ tay,...

Nhiệt độ thấp

Nhiệt độ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự lắng đọng tinh thể urat ở mô khớp. Khi nhiệt độ ở một số bộ phận thấp hơn nhiệt độ trung bình của cơ thể thì tốc độ hòa tan của muối urat giảm. Điều này làm chúng dễ tích tụ lại với nhau và lâu dần hình thành nên các hạt tophi. Có thể dễ dàng nhìn thấy, hạt tophi thường xuất hiện ở các vị trí ngoại vi, bộ phận có nhiệt độ thấp như ngón chân cái, khớp đầu ngón tay, vành tai,...

Hinh-anh-ve-tinh-the-urat-tich-tu-trong-khop-tao-thanh-hat-tophi.webp

Hình ảnh về tinh thể urat tích tụ trong khớp tạo thành hạt tophi

Giới tính, tuổi tác và di truyền

Theo thống kê, tỷ lệ hình thành tinh thể urat xảy ra ít hơn ở người trẻ tuổi. Từ 50 tuổi trở lên, chức năng thận dần yếu đi, khả năng đào thải của thận giảm làm tăng lượng acid uric trong máu.

Nguy cơ tăng acid uric máu ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới. Do đó, tỷ lệ xuất hiện tinh thể urat ở nam cũng cao hơn, chiếm đến 90% trên tổng số người gặp phải tình trạng này. Đối với phụ nữ độ tuổi sau mãn kinh, nguy cơ hình thành tinh thể urat cũng tăng lên.

Yếu tố gen di truyền chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nguyên nhân là do gen bị “lỗi” và làm biến đổi các enzyme cần thiết cho quá trình chuyển hóa nhân purin.

Bệnh lý nền

Nếu bạn mắc các bệnh lý như hội chứng chuyển hóa, tăng insulin máu, kháng insulin hay suy giảm chức năng thận thì sẽ có nguy cơ cao tăng acid uric máu, hình thành tinh thể urat và tiến triển thành gout. Một số yếu tố nguy cơ khác cũng làm tăng khả năng hình thành tinh thể urat như cao huyết áp, béo phì,...

Cac-benh-ly-ve-than-lam-tang-nguy-co-hinh-thanh-tinh-the-muoi-urat.webp

Các bệnh lý về thận làm tăng nguy cơ hình thành tinh thể muối urat

>>> XEM THÊM: Bệnh gút có nguy hiểm không? Có thể bạn chưa biết

Chế độ ăn uống không hợp lý

Sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm giàu nhân purin như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật,... hoặc bia rượu cũng làm tăng nguy cơ hình thành nên tinh thể urat.

Mối liên quan giữa tinh thể urat và bệnh gout 

Khi acid uric tăng cao trong thời gian dài sẽ hình thành nên các tinh thể urat lắng đọng tại mô mềm, mô hoạt dịch của khớp. Sự lắng đọng này làm khớp bị tổn thương gây ra tình trạng viêm, đau, sưng, đỏ. Khi số lượng tinh thể muối urat ngày càng nhiều sẽ tích tụ và hình thành nên các hạt hình oval, màu trắng được gọi là tophi.

Tinh thể urat lắng đọng, sau đó trở thành hạt tophi nổi cục có thể làm giảm cử độngbiến dạng khớp. Ngoài ra, các tinh thể muối urat còn tích tụ ở tổ chức kẽ thận, bể thận và niệu quản gây sỏi thận. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây tổn thương thận, suy thận và có thể dẫn đến tử vong.

Cách loại bỏ tinh thể urat - Thủ phạm gây ra gout

Các tinh thể urat khi hình thành có thể gây nhiều biến chứng nặng nề trên thận và khớp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh. Do đó, cần có những biện pháp kịp thời để ngăn ngừa và loại bỏ tinh thể urat.

Hạn chế acid uric được tạo ra

Có hơn 40% lượng acid uric trong cơ thể là thu nạp từ nguồn thức ăn, do đó để giảm acid uric máu hiệu quả, chúng ta cần cắt giảm các thực phẩm giàu purin như: Thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt trâu, các loại hải sản (cá trích, cá cơm, tôm, cua,...), hạn chế đồ uống có cồn đặc biệt là bia và rượu mạnh. 

Tăng bổ sung rau củ quả, các loại hạt, cá giàu omega-3, protein thực vật,... vào trong chế độ ăn hàng ngày để chống lão hóa khớp và tốt cho tiêu hóa. Thay thế protein động vật thành thực vật có trong các loại hạt để giảm tổng hợp acid uric máu.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp sử dụng thuốc giảm tổng hợp acid uric. Đây là nhóm thuốc có khả năng ức chế xanthine oxidase - enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp acid uric. Nhờ vậy, nồng độ acid uric máu được kiểm soát, nguy cơ tái phát cơn gout cấp cũng được hạn chế. Một số thuốc phổ biến thuộc nhóm này như allopurinol, probenecid,...

Thay-doi-che-do-dinh-duong-gop-phan-rat-lon-trong-viec-giam-acid-uric-mau.webp

Thay đổi chế độ dinh dưỡng góp phần rất lớn trong việc giảm acid uric máu 

>>> XEM THÊM: [CẢNH BÁO] Dấu hiệu bệnh gút ở chân cần chú ý

Tăng cường thải trừ acid uric 

Một số cách giúp tăng thải trừ acid uric máu hiệu quả và có thể áp dụng ngay tại nhà như:

  • Uống nhiều nước: Việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày sẽ giúp tăng thải trừ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể, trong đó có acid uric.
  • Sử dụng nhóm thuốc tăng thải trừ acid uric: Đây là nhóm thuốc có khả năng tăng cường đào thải acid uric qua đường tiểu. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chống chỉ định cho người đang gặp phải các vấn đề về thận như sỏi thận, suy thận,... Một số thuốc thuộc nhóm này như probenecid, sulfinpyrazon, benzbriodaron,…

Sử dụng thảo dược tự nhiên loại bỏ tinh thể urat

Hiện nay, nhiều người bệnh có xu hướng lựa chọn thảo dược tự nhiên để hỗ trợ loại bỏ tinh thể urat. Các thảo dược có thể kể đến như trạch tả, ba kích, nhàu, hoàng bá,... sẽ giúp đào thải acid uric nhanh chóng, ngăn ngừa nguy cơ tái phát gout cấp hiệu quả hơn. 

Trạch tả có tác dụng giúp tăng cường chức năng chuyển hóa nước, chống nhiễm độc cho gan, tiêu viêm và thanh nhiệt hiệu quả. Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra trong trạch tả có chứa nhiều hoạt chất như: Api alisol A, alismoxide, alismol, các alisol A, B, C và choline… Các hoạt chất này giúp tăng cường chức năng thận, hỗ trợ bài tiết các chất cặn bã, trong đó có acid uric ra ngoài cơ thể. 

Trach-ta-la-thao-duoc-duoc-su-dung-rat-tot-cho-benh-gout-than-va-khop.webp

Trạch tả là thảo dược được sử dụng rất tốt cho bệnh gout, thận và khớp

Sự hiện diện của tinh thể urat là dấu hiệu để cảnh báo tình trạng bệnh gout đang tiến triển xấu. Do đó người bệnh nên tìm hiểu và nắm được phương pháp điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm sau này. Nếu bạn có thắc mắc hay băn khoăn thêm về chủ đề tinh thể urat, hãy để lại thông tin bên dưới phần bình luận, các chuyên gia của chúng tôi giải đáp kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6175756/

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fmed.2021.649505/full

https://www.healthline.com/health/gout/gout-crystals#treatment

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5473190/