Gout và giả gout đều là những bệnh lý do ứ đọng tinh thể muối tại khớp gây ra. Biểu hiện của hai bệnh lý này thường khá giống nhau nên thường gây nhầm lẫn và dẫn tới việc điều trị không đúng. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc phân biệt 2 bệnh lý này và tìm hiểu về các cách điều trị hiệu quả.
Bệnh gout và bệnh giả gout có gì khác nhau?
Bệnh gout xảy ra do rối loạn chuyển hóa chất purin làm tăng acid uric trong máu. Tình trạng này kéo dài sẽ làm hình thành các tinh thể muối urat hình kim, thường lắng đọng tại khớp và mô mềm.
Bệnh giả gout (hay còn gọi là Pseudogout) là bệnh vôi hóa do lắng đọng tinh thể muối calcium pyrophosphate dihydrate tại các khớp. Khác với bệnh gout, tinh thể lắng đọng ở bệnh giả gout là muối calcium có hình thoi. Bệnh giả gout gặp nhiều ở những người trong cùng một gia đình, do đó, di truyền cũng có thể là một nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như suy giáp hoặc cường cận giáp, thừa sắt trong máu hoặc thiếu magie, tăng canxi trong máu…
Bệnh gout và giả gout có nhiều triệu chứng giống nhau
>>> XEM THÊM: Tinh thể urat có liên quan thế nào với bệnh gout?
Phân biệt triệu chứng bệnh gout và giả gout
Bệnh gout và bệnh giả gout đều gây cơn viêm khớp cấp tính và gây đau dữ dội. Tuy nhiên, hai bệnh cũng có những dấu hiệu lâm sàng khác nhau.
Bệnh gout
- Cơn đau thường khởi phát ở khớp ngón khớp cái (khoảng 75% các trường hợp). Ngoài ra, cũng có biểu hiện ở mu bàn chân, cổ gân, gót chân, đầu gối, cẳng tay, khuỷu tay...
- Bệnh gout thường gặp ở nam giới, độ tuổi từ 30 – 40 tuổi. Phụ nữ bị gout thường sau tuổi tiền mãn kinh.
- Cơn gout cấp thường tấn công về đêm, xuất hiện đột ngột và sưng đau dữ dội trong khoảng 12-24 giờ.
- Có sự hình thành hạt tophi, nổi cục tại các khớp trong giai đoạn sau của bệnh.
Bệnh giả gout
- Thường khởi phát cơn đau ở khớp gối và một số khớp lớn trong cơ thể, hiếm gặp khớp ngón tay, ngón chân.
- Bệnh có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới, người trên 65 tuổi.
- Cơn đau do bệnh giả gout thường xuất hiện từ từ, trong nhiều ngày và mức độ trầm trọng cũng ít hơn so với cơn gout cấp.
- Bệnh giả gout không có tình trạng nổi cục tophi tại khớp.
Để chẩn đoán chính xác bệnh gút hay giả gút, ngoài dựa vào triệu chứng, bạn nên đi khám tại các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên để được làm một số xét nghiệm khác như: chọc dịch khớp, chụp X-quang khớp, chụp MRI, chụp CT hoặc siêu âm xác định mức độ lắng đọng tinh thể calci.
Bệnh giả gout thường gây đau ở khớp gối
>>> XEM THÊM: Gout mạn tính và những thông tin quan trọng mà bạn nên biết
Điều trị bệnh giả gout như thế nào?
Mục tiêu chính trong điều trị bệnh giả gout là giảm triệu chứng đau nhức khớp, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số phương pháp điều trị thường được áp dụng:
Điều chỉnh lối sống
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần tăng cường sức khỏe xương khớp, hạn chế bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng hơn. Một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt dành cho người bị bệnh giả gout là:
- Hạn chế uống bia rượu và các loại đồ uống chứa cồn.
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải, nếu béo phì thì nên giảm cân để hạn chế áp lực của cơ thể đè lên các khớp.
- Luyện tập thể thao nhẹ nhàng, vừa sức sẽ giúp tăng cường độ dẻo dai cho sụn khớp, cử động khớp linh hoạt hơn.
- Nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức, stress, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
Phương pháp sử dụng thuốc tây
Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau để cải thiện triệu chứng. Một số thuốc giảm đau thường dùng trong điều trị bệnh giả gout là:
- Colchicin: Được sử dụng bắt đầu với liều thấp và tăng dần để theo dõi đáp ứng của cơ thể với thuốc. Ngoài ra, colchicin cũng có thể được sử dụng để dự phòng tái phát các đợt viêm khớp cấp.
- Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs): Một số thuốc hay được dùng như ibuprofen, diclofenac, naproxen… Một số trường hợp chống chỉ định với các thuốc này như người bị suy thận, loét dạ dày - tá tràng, mắc các bệnh tim mạch...
- Corticosteroid: Các thuốc này thường được dùng nếu người bệnh chống chỉ định hoặc không đáp ứng với 2 thuốc kể trên. Ngoài sử dụng đường uống thì corticosteroid có thể được tiêm trực tiếp vào khớp để giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc này vì tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc tây điều trị bệnh giả gout
Phương pháp ngoại khoa
Trường hợp trong khớp tích tụ quá nhiều dịch thì người bệnh có thể được chỉ định chọc hút dịch khớp. Phương pháp này giúp loại bỏ tinh thể canxi lắng đọng trong dịch khớp nhưng vẫn có thể tái phát nhiều lần.
Phương pháp chọc hút dịch khớp được sử dụng trong điều trị bệnh giả gout
Bệnh giả gout tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị đúng cách. Bài viết trên đã tổng hợp lại một số thông tin liên quan đến bệnh giả gout và các cách điều trị.
Ngoài ra, nếu bạn còn có thắc mắc nào khác, hãy đặt câu hỏi ở phần bình luận, chúng tôi sẽ giải đáp nhanh chóng.
Tài liệu tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pseudogout/diagnosis-treatment/drc-20376988