Gút là bệnh lý mạn tính có thể chuyển biến sang giai đoạn nặng nhanh chóng nếu người mắc không có biện pháp kiểm soát tốt. Bệnh gút giai đoạn cuối sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng của người mắc. Tuy nhiên, nhiều người lại chưa biết đến các triệu chứng và phương pháp điều trị của bệnh gút giai đoạn cuối. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về các thông tin này.
Bệnh gút giai đoạn cuối là gì?
Bệnh gút giai đoạn cuối là tình trạng chuyển biến nặng của gút với các triệu chứng như đau nhức khớp dữ dội hơn, xuất hiện ở nhiều vị trí hơn. Ở giai đoạn này, người bệnh gút có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như nổi cục tophi, suy thận...
Quá trình tiến triển của bệnh gút khá chậm, thông thường phải khoảng vài năm mới chuyển qua giai đoạn nặng hơn. Tuy nhiên, tùy vào chế độ ăn uống và khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh mà thời gian tiến triển của gút có thể được kéo dài hơn hoặc rút ngắn đi. Chính vì quá trình tiến triển của gút chậm và âm thầm nên nhiều người bệnh lầm tưởng rằng chỉ cần chữa trong một thời gian là khỏi hoàn toàn. Do đó nhiều người bệnh chủ quan, ăn uống không kiêng khem dẫn đến đẩy nhanh quá trình tiến triển sang giai đoạn cuối của gút.
Người bệnh gút giai đoạn cuối gặp phải cơn đau gút dữ dội
>>> XEM THÊM: Axit uric cao và những bệnh lý tiềm ẩn mà bạn cần phải biết
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh gút giai đoạn cuối
Bệnh gút khi bước vào giai đoạn cuối, người mắc có thể gặp phải nhiều biến chứng hết sức phức tạp tại khớp và thận, cụ thể như sau:
- Các hạt tophi có kích thước lớn làm biến dạng khớp nếu không được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ kịp thời có thể bị vỡ và tạo thành ổ viêm gây nhiễm trùng máu.
- Tần suất người bệnh gặp phải các cơn đau gút cấp tăng lên thường xuyên hơn. Chỉ cần một yếu tố tác động nhỏ cũng có thể làm khởi phát ngay cơn gút cấp.
- Cấp độ đau do các cơn gút cấp dữ dội hơn, thời gian kéo dài hơn. Điều này làm người bệnh gặp nhiều khó khăn trong đi lại, ăn uống và sinh hoạt.
- Vị trí xuất hiện các hạt tophi đa dạng hơn như tại khớp ngón bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay… ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng vận động.
- Nguy hiểm nhất là các tinh thể muối lắng đọng tại thận, làm tổn thương màng lọc cầu thận không hồi phục và dẫn đến suy thận.
Hình ảnh người bệnh gút giai đoạn cuối bị nổi các hạt tophi tại nhiều vị trí
Các phương pháp kiểm soát bệnh gút giai đoạn cuối
Mức độ nguy hiểm của bệnh gút giai đoạn cuối rất lớn, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe, tinh thần mà còn gây nguy hại đến tính mạng của người bệnh. Do đó, ngay từ khi phát hiện mắc gút, người bệnh cần phải tuân thủ theo các phương pháp dưới đây:
Phương pháp không sử dụng thuốc
Phương pháp này bao gồm chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học:
- Hạn chế hết mức lượng purin đưa vào cơ thể. Không đưa các thực phẩm như hải sản, nội tạng động vật, thịt đỏ vào thực đơn hàng ngày của người bệnh gút giai đoạn cuối.
- Ăn uống thanh đạm, hạn chế dùng các loại mỡ từ động vật. Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi. Nên chế biến các món hấp hoặc luộc, hạn chế chiên rán.
- Uống nhiều nước để thúc đẩy quá trình bài tiết acid uric ra ngoài qua nước tiểu.
- Tuyệt đối không sử dụng bia rượu do chúng có thể làm tăng acid uric máu lên một cách nhanh chóng, làm khởi phát các cơn gút cấp.
Phương pháp điều trị nội khoa
Một số thuốc được sử dụng trong điều trị nội khoa bệnh gút giai đoạn cuối là:
- Thuốc giảm đau, kháng viêm: Bao gồm Colchicin, các thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs), Corticosteroid. Các thuốc này thường được sử dụng giúp giảm đau tạm thời khi người bệnh gặp phải cơn đau gút cấp. Không được sử dụng trong dự phòng cơn gút cấp. Người bệnh tránh lạm dụng quá mức nhóm thuốc này, bởi chúng có rất nhiều tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến chức gan và thận.
- Thuốc giảm tổng hợp acid uric: Phổ biến nhất trong nhóm thuốc này là Allopurinol, febuxostat. Với cơ chế là ức chế men XO làm ngăn ngừa quá trình tổng hợp acid uric, nhờ đó lượng acid uric trong máu được kiểm soát.
- Thuốc tăng thải trừ acid uric: Benzbromarone, lesinurad,... là những thuốc thường được sử dụng. Các thuốc nhóm này được chỉ định khi người bệnh sử dụng thuốc giảm tổng hợp acid uric mà không đáp ứng hoặc không đạt được hiệu quả mong muốn.
- Thuốc hủy urat: Pegloticase, rasburicase là hai thuốc được biết đến nhiều hơn trong nhóm thuốc này. Thuốc có cơ chế là sử dụng men uricase làm biến đổi acid uric thành allatonin tan được trong nước và có thể theo đường tiểu đi ra ngoài. Bởi vì dễ gây kháng thuốc chỉ sau một vài tháng điều trị nên các thuốc nhóm này ít được sử dụng trên lâm sàng.
Đối với các thuốc điều trị nội khoa bệnh gút giai đoạn cuối, nhất định phải có sự chỉ định của bác sỹ mới được sử dụng. Do cần phải dựa trên các yếu tố như chức năng gan, khả năng lọc của thận có đảm bảo không thì bác sỹ mới có thể quyết định sử dụng. Tránh trường hợp người bệnh gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm khi sử dụng thuốc.
Các thuốc được chỉ định cho điều trị bệnh gút giai đoạn cuối
Phương pháp điều trị ngoại khoa
Đối với người bệnh gút giai đoạn cuối, các hạt tophi thường có kích thước rất lớn, làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng đi lại và có nguy cơ vỡ ra nên bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ. Điều kiện để có thể cắt bỏ được hạt tophi là chúng không dính liền với khớp và không trong giai đoạn viêm. Nếu hạt tophi dính liền khớp mà nhất thiết phải loại bỏ thì sẽ được chỉ định tiến hành tháo khớp.
Kết hợp sử dụng thảo dược hỗ trợ điều trị gút
Từ xa xưa, khi chưa có thuốc tây, ông bà ta thường sử dụng thảo dược để chữa bệnh. Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển, nhiều bài thuốc nam vẫn được lưu truyền và sử dụng, trong đó có các bài thuốc trị bệnh gút. Các vị thảo dược quen thuộc hay được sử dụng để điều trị gút như trạch tả, thổ phục linh, nhọ nồi, hạ khô thảo, ba kích…
- Trạch tả là thảo dược rất quen thuộc trong các bài thuốc chữa bệnh gút. Trong trạch tả có chứa hoạt chất giúp tăng cường thải trừ acid uric, lợi tiểu. Tác dụng của trạch tả chữa bệnh gút, hạ axit uric máu cũng đã được chứng minh trong nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Bắc Kinh - Trung Quốc.
- Hạ khô thảo có tác dụng giảm đau và kháng viêm. Khi các tinh thể muối urat lắng đọng tại khớp, có nguy cơ làm viêm khớp gây đau thì hạ khô thảo sẽ giúp ngăn ngừa các tác nhân gây viêm, đồng thời cải thiện chức năng gan và thận.
- Thổ phục linh và ba kích có tác dụng giảm đau nhức xương khớp rất hiệu quả. Đặc biệt, chúng sẽ giúp giảm đau nhức và ngăn ngừa cơn gút cấp tái phát rất tốt.
Một số thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh gút giai đoạn cuối hiệu quả
Sức khỏe, thể trạng của người bệnh gút giai đoạn cuối suy kiệt nhiều, nếu không có những biện pháp điều trị kịp thời, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thì nguy cơ tiên lượng xấu là rất cao.
Bài viết trên là những thông tin cần biết về bệnh gút giai đoạn cuối, mong rằng đã giúp ích được cho bạn đọc. Nếu bạn có thắc mắc gì thêm, hãy để lại câu hỏi hoặc số điện thoại dưới phần bình luận, chúng tôi sẽ liên hệ giải đáp nhanh nhất.
Tài liệu tham khảo:
https://www.healthline.com/health/how-long-does-gout-last