Bệnh lý khớp do vi tinh thể bao gồm viêm khớp và viêm quanh khớp là một nhóm bệnh khá thường gặp. Trước kia, khi chưa có các phương tiện cần thiết, người ta không thể phân biệt được nguyên nhân do loại vi tinh thể nào. Việc phát minh ra kính hiển vi lưỡng cực năm 1961 cho phép các nhà nghiên cứu xác định được vai trò của từng loại vi tinh thể, từ đó phân biệt các bệnh lý hay gặp trong nhóm, bao gồm các bệnh phổ biến là gút (do tinh thể monosodium urate- MSU, còn gọi là tinh thể urat) và nhóm giả gút do tinh thể calci pyrophosphat (CPP), calci apatit, calci oxalat và một số loại vi tinh thể khác.

Bệnh gút và giả gút do tinh thể CPP (CPP disease - viết tắt CPPD) là hai bệnh phổ biến nhất trong nhóm này. Cả hai bệnh có biểu hiện lâm sàng rất giống nhau, gây viêm khớp và phần mềm quanh khớp. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bệnh viêm khớp do tinh thể calci pyrophosphat- bệnh CPPD.

Bệnh giả Gout (Pseudogout) còn được gọi là bệnh lắng đọng calcium pyrophosphate dihydrate (Calcium Pyrophosphate Dihydrate Crystal Deposition Disease - CPPD) là một dạng viêm khớp đặc trưng bởi sự đột ngột, đau sưng tại một hoặc nhiều khớp; những đợt đau có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Cũng như bệnh Gout, bệnh giả Gout xảy ra khi tinh thể CPPD hình thành và lắng đọng trong dịch khớp gây đau và viêm. Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi và phổ biến nhất là ảnh hưởng đến khớp gối, sau đó là khớp cổ chân, cổ tay và khuỷu tay,

Bệnh gút là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, gây tăng nồng độ acid uric gây lắng động các tinh thể monosodium urat tại các khớp, dịch ổ khớp với biểu hiện tương tự bệnh giả gút, nhưng thường có xu hướng khởi phát từ khớp ngón chân cái. Sau lan dần đến, ngón chi khác, khớp khuỷu và sau đó có thể lan đến khớp gối.

Hiện nay, người ta vẫn chưa rõ cơ chế hình thành các tinh thể trong các khớp gây ra bệnh giả gút. Tuy nhiên, biện pháp chính yếu trong điều trị giả gút cũng tương tự như trong điều trị các đợt gút cấp là sử dụng giảm đau, giảm viêm mà không thể loại bỏ các tinh thể này.

Bệnh giả Gout thường ảnh hưởng đến khớp gối, và các khớp khác như cổ chân, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay và vai. Các triệu chứng điển hình rất giống bệnh Gout, gồm: Sưng nóng đỏ tại khớp; Đau khớp nặng; Một số người có thể bị các đợt sưng đau theo chu kỳ. Do đó việc chẩn đoán và phân biết giải gút và gút cần phải dựa vào các xét nghiệm lâm sàng.

Trước tiên, người bệnh khớp nghi ngờ do vi tinh thể cần thực hiện chấn đoán xác định bệnh giả gút bằng cách định lượng nồng độ acid uric máu hoặc soi kính hiển vi tinh thế để loại trừ trường hợp bị gút. Ở bệnh nhân giả gút nồng độ acid uric trong máu ở mức bình thường. Trong khi ở bệnh nhân gút nồng độ chất nay thường tăng rất cao.

Mục đích trong điều trị giả gút chủ yếu là điều trị triệu chứng, sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau. Hạn chế vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Không thể sử dụng các biện pháp làm tan tinh thể, tăng đào thải, tránh lắng đọng tinh thể như ở bệnh nhân gút. 

Như vậy, bệnh nhân bị các đợt viêm khớp cấp tính cần được thăm khám, kiểm tra và nhận định đúng bệnh để có cách xử lý và điều trị cho phù hợp.