Sỏi thận, sỏi tiết niệu nếu phát hiện sớm, chọn đúng phương pháp điều trị hết sỏi sẽ không ảnh hưởng đến chức năng của thận và hạn chế tái phát.

Sỏi thận tiết niệu là bệnh khá thường gặp ở nước ta, chiếm tỷ lệ 10% - 15% dân số, chiếm 45% - 50% bệnh tiết niệu. Bệnh sỏi thận là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Sỏi được tạo ra do nhiều nguyên nhân và thường do sự phối hợp của nhiều nguyên nhân như: uống ít nước, ăn uống nhiều canxi, rối loạn chuyển hóa, di truyền... Hơn 90% sỏi được cấu tạo bởi canxi hoặc magiê, phối hợp với oxalat, phosphat và urat.

 Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của ngành Y - Dược, điều trị sỏi thận tiết niệu đã có những tiến bộ vượt bậc, làm thay đổi hẳn về điều trị sỏi thận tiết niệu. Bệnh nhân phải phẫu thuật đã giảm hẳn, hiện nay, tỷ lệ phải phẫu thuật nhỏ hơn 10%. Thay vào đó là các phương pháp điều trị nội khoa, phương pháp ngoại khoa kết hợp thuốc uống, y học cổ truyền, biện pháp ăn uống, luyện tập... Việc quyết định lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào các tiêu chí sau: vị trí sỏi, kích thước, mật độ của sỏi và chức năng của thận...

 Các nguyên nhân dẫn đến sỏi thận:

1. Sỏi thận do lắng đọng: Vì uống nước không đủ, nhất là với những người lao động nặng nhọc, hoặc mải làm việc cả ngày không uống nước, lúc uống lại uống quá nhiều mà không uống đều trong ngày.

Vì bị dị dạng đường tiểu khiến nước tiểu không thoát ra hết, lâu ngày tích trữ, đọng lại và tạo sỏi.

Vì bị u xơ tiền liệt tuyến, u xơ đội lên trong lòng bàng quang khiến nước tiểu đọng lại ở khe kẽ.

Bị chấn thương nặng, phải nằm một chỗ (như chấn thương đùi chẳng hạn), người bệnh lại uống nhiều sữa, ít nước. Trường hợp này cũng dễ tạo sỏi thận.

Những người bị bệnh gút có nồng độ acid uric trong máu cao

2. Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn thiên lệch một loại thức ăn, cụ thể là ăn quá nhiều thịt hoặc ngược lại, ăn quá nhiều rau cũng là những nguyên nhân gây nên sỏi thận.

3. Nhiễm trùng bộ phận sinh dục: Nguyên nhân này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn. Khi không vệ sinh thường xuyên, vi trùng có cơ hội xâm nhập gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, từ đó hình thành sỏi.

4. Hiếm gặp là các trường hợp có dị vật trong bàng quang. Y văn thế giới có ghi một số trường hợp bị dị vật như lá cây, cỏ, rơm, hoặc do thông tiểu bị tụt ống thông vào trong. Những dị vật đó cũng làm lắng đọng sỏi, thậm chí sỏi rất lớn.

Cách phòng tránh bệnh sỏi thận

 Ăn uống cân đối 4 nhóm thức ăn (bột, đường, mỡ, vitamin), không nên thiên lệch một loại thực phẩm, rau quả nào.

Uống nhiều nước (2 - 3 lít/ngày). Không uống dồn một lúc mà chia rải rác trong ngày.

 Khi bị u xơ tiền liệt tuyến phải xử lý ngay.Nếu bị dị dạng đường tiểu phải được phẫu thuật chỉnh hình.

 Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ (nhất là với phụ nữ sau đẻ), không dùng nước bẩn để vệ sinh cơ thể.

Đối với các bệnh nhân gút tránh ăn các thức ăn giàu purin như: nội tạng động vật và các loại thịt đỏ. không uống rượu bia và ăn nhiều hoa quả, trái cây.

 

 Bông tuyết