Với những người mắc bệnh bệnh gút hoặc những người bị hội chứng tăng axit uric máu nhưng chưa bị chẩn đoán là mắc gút thì việc định lượng hàm lượng axit uric niệu trong vòng 24h có thể xác định được nguyên nhân gây ra bệnh, từ đó lên kế hoạch theo dõi và có phác đồ điều trị bệnh gút hiệu quả nhất.

Xác định nguyên nhân gây ra bệnh gút qua định lượng axit uric niệu

Tăng axit uric máu là dấu hiệu điển hình và là yếu tố đầu tiên dự báo bệnh gút. Một người được coi là có nồng độ axit uric trong máu tăng cao khi chỉ số này vượt quá 420 µmol/l ở nam giới và 380 µmol/l ở nữ giới. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do: việc tăng sản xuất hoặc giảm bài tiết axit uric qua thận, hoặc kết hợp cả 2 yếu tố trên.

Mục đích của việc phát hiện tăng axit uric máu ở những bệnh nhân gút hoặc những người có nồng độ axit uric tăng cao nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh gút là để xác định nguyên nhân gây ra bệnh, từ đó có kế hoạch theo dõi và điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Việc xác định xem tăng axit uric do sản xuất quá mức hay do giảm bài tiết có thể được thực hiện thông qua định lượng axit uric niệu trong vòng 24h. Xét nghiệm này được thực hiện ở nam giới có sức khỏe tốt, trong chế độ ăn không chứa nhiều purin, chức năng thận bình thường thì kết quả là 600 mg/24h, và đây cũng được coi là một mức chuẩn để xác định:

+ Trường hợp có sự bài tiết axit uric nhiều hơn 600 mg/24h và trong chế độ ăn không chứa nhiều purin thì nguyên nhân là do tăng sản xuất quá mức axit uric.

+ Trường hợp bệnh nhân có bài tiết axit uric ít hơn 600 mg/24h thì nguyên nhân là do giảm bài tiết axit uric.

Nếu xét nghiệm này được tiến hành trong thời gian người bệnh có chế độ ăn uống bình thường thì mức axit để đánh giá là 800 mg/24h, và nội dung đánh giá cũng tương tự như trên.

Lên kế hoạch theo dõi bệnh gút hiệu quả

Khi một người đã được chẩn đoán là tăng axit uric máu (bao gồm đã có hay chưa có các dấu hiệu của bệnh gút) mà nguyên nhân gây ra là do tăng sản xuất axit uric trong máu thì cần phải thay đổi chế độ ăn uống và lối sống của mình. Người bệnh nên lên những kế hoạch cụ thể như hạn chế ăn các thức ăn giàu đạm, uống rượu bia, thay vào đó nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và những thực phẩm giàu chất xơ. Một chế độ luyện tập thể thao, và uống nhiều nước sẽ giúp tăng cường đào thải được lượng axit uric dư thừa từ đó có thể giúp phòng tránh mắc phải hoặc tái phát các cơn đau gút.

Đối với những người bệnh được chẩn đoán là do giảm thải axit uric ra ngoài cơ thể thì nên đến bệnh viện kiểm tra chức năng thận của mình. Cho dù ở bất cứ trường hợp nào, bạn cũng nên đi kiểm tra chỉ số axit uric thường xuyên để có thể tầm soát được bệnh gút.

Nguyên An.