Acid uric có vai trò như là một chất giúp kích thích não bộ và là một chất chống oxi hóa trong cơ thể. Tuy nhiên, vấn đề tăng acid uric máu lại có mối quan hệ chặt chẽ với các bệnh lý chuyển hóa, đặc biệt là bệnh gút. Vì vậy để hiểu rõ được vấn đề này các bạn hãy cùng tham khảo những thông tin sau nhé!
Acid uric là gì? Tại sao acid uric lại có trong cơ thể?
Acid uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purine, tồn tại trong cơ thể có nguồn gốc chủ yếu từ thức ăn đạm có chứa gốc purin (100 – 200 mg/ngày) và từ nguồn acid uric nội sinh do quá trình thoái hóa biến các acid nucleic của cơ thể (600 mg/ngày). Quá trình tổng hợp chủ yếu được thực hiện ở gan và một ít tại niêm mạc ruột.
Acid uric có bản chất là một acid yếu nên thường bị ion hóa thành muối urat hòa tan trong huyết tương, ổn định trong máu (nam giới từ 180 – 420 µmol/l, nữ giới từ 150 – 360 µmol/l), một phần acid uric cũng tồn tại trong nước tiểu và trong dịch khớp. Bình thường quá trình tổng hợp và bài tiết acid uric luôn ở trạng thái cân bằng. Khoảng 2/3 tổng lượng acid uric được tổng hợp mới và cũng với số lượng tương tự đào thải chủ yếu qua thận.
Vai trò của acid uric trong cơ thể
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy vai trò quan trọng của acid uric đối với cơ thể chúng ta.
1. Kích thích hoạt động của não bộ
Vào khoảng giữa những năm 50, người ta đã nhận thấy acid uric có cấu trúc tương tự với cafeine, chất này có khả năng làm tăng hoạt động của cơ thể và kích thích trí tưởng tượng thông qua làm hưng phấn các vùng não bộ. Điều này còn được khẳng định rõ ràng hơn qua các công trình nghiên cứu khoa học trong những năm 60 và 70, họ thấy rằng những người có chỉ số acid uric - huyết (hyperuricémie) hơi cao hơn so với mức bình thường có khả năng vận dụng trí óc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chưa có chứng minh nào khẳng định vai trò của acid uric với sự thông minh mà acid uric chỉ được xem như là một chất kích thích não bộ.
2. Chống oxy hóa
Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh được những người có nồng độ acid uric thấp trong cơ thể, có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson, các bệnh xơ cứng mạch (sclérose en plaques),… cao hơn so với những người bình thường.
Như vậy, acid uric đóng một vai trò quan trọng đối với cơ thể. Do đó, trong cơ thể bình thường luôn có một lượng acid uric phù hợp để giữ được sự cân bằng các chất và các phản ứng sinh hóa.
Mối quan hệ giữa bệnh gút và tăng acid uric máu
Như đã nói ở phần trên, acid uric chủ yếu tồn tại ở dạng các muối hòa tan trong cơ thể nhưng nếu vượt quá giới hạn hoà tan thì các tinh thể urat sẽ bị kết tủa. Các vấn đề hay gặp dẫn đến sự dư thừa acid uric như: ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin, giảm đào thải acid uric qua thận hoặc do cả 2 nguyên nhân trên. Khi đó sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý như bệnh sỏi thận, suy thận mạn, thiếu máu tan máu, bệnh bạch cầu (leucemia), bệnh đái tháo đường, tăng mỡ máu,…
Đặc biệt, trong số các bệnh lý liên quan đến tăng acid uric máu thì bệnh gút là đáng lo ngại nhất. Gút đặc trưng bởi sự lắng đọng các tinh thể muối urat tại các khớp, hình thành các cục tophi dẫn đến tình trạng viêm và gây ra các cơn đau dữ dội làm hạn chế sự vận động, làm mất dần khả năng lao động. Ngoài ra, theo một nghiên cứu tại Hà Lan, những bệnh nhân bị gút ở tuổi trung niên thường dễ bị tăng huyết áp (43%), tăng cholesterol máu (5%) và đái tháo đường (>50%). Vì thế, các chuyên gia về khớp có một nhìn nhận mới: bệnh gút là dấu hiệu sớm của các bệnh về tim, mạch. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, các cơn đau khớp sẽ diễn ra với mức độ và tần suất liên tục hơn. Không những thế, điều trị sai cách còn làm mất dần sự đáp ứng các thuốc giảm đau, kèm theo những biến chứng nặng nề cho cơ thể.
Bích Phương.