Khi nhắc đến chứng tăng acid uric máu thông thường chúng ta sẽ nghĩ ngay đến bệnh gút, nhưng trên thực tế điều này còn phản ánh nhiều nguy hại tiềm ẩn khác về vấn đề tim mạch đối với cơ thể mà ta không thể ngờ tới.

Acid uric máu tăng là yếu tố gây ra các bệnh lý về tim mạch

Acid uric được hình thành trong cơ thể từ các purin ngoại sinh hoặc nội sinh, dưới tác động của enzyme xanthine dehydrogenase có trong ruột, gan. Phần lớn acid uric trong máu ở dạng tự do, được thận lọc và bài tiết qua nước tiểu ra khỏi cơ thể. Bình thường quá trình tổng hợp và bài tiết acid uric trong cơ thể luôn được giữ ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, có thể xuất phát từ các nguyên nhân như chế độ ăn uống, sinh hoạt, các bệnh lý gan thận,…khiến trạng thái cân bằng này bị phá vỡ, nếu nồng độ acid uric máu tăng cao kéo dài có thể dẫn đến lắng đọng tinh thể muối urat ở dịch khớp và gây ra tình trạng viêm khớp - đây được xem là cơ chế chính của bệnh gút.

Không những thế, việc tăng acid uric máu còn có mối tương quan với các biến cố tim mạch bao gồm: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim,... đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ những năm cuối thế kỉ XIX. Cụ thể, nhà khoa học Waring, W.S. – chuyên gia nghiên cứu các vấn đề liên quan đến acid uric, kết quả ghi nhận được từ nghiên cứu “Acid uric với nguy cơ đối với bệnh tim mạch” đã cho thấy: Acid uric thúc đẩy sự oxy hóa các LDL trong quá trình xơ vữa động mạch và còn gây kết dính bạch cầu hạt vào các lớp nội mạc qua đó giải phóng các gốc tự do peroxide, superoxide. Khi các acid uric di chuyển đến các vị trí có các tế bào nội mô bị rối loạn chức năng thì sẽ gây lắng đọng tinh thể muối urat và hình thành mảng xơ vữa, sự lắng đọng tinh thể càng nhiều khi nồng độ acid uric càng cao. Chính điều này, có thể khiến các bệnh nhân mắc chứng tăng acid uric máu có nguy cơ bị xơ vữa động mạch rất cao.

Ngoài ra, theo các dữ liệu thống kê của bộ y tế Hoa Kỳ cho thấy, sự gia tăng mạnh các bệnh cao huyết áp, béo phì, tiểu đường và bệnh thận trong 100 năm qua cũng đồng thời gắn liền với sự gia tăng nồng độ acid uric. Trung bình nồng độ acid uric ở nam giới tăng dần từ con số ≤ 3.5 mg/dl (trong những năm 1920) lên 6.0 – 6.5 mg/dl (trong những năm 1970). Ở phụ nữ có xu hướng thấp hơn so với nam giới chỉ tăng từ 0.5 lên 1.0 mg/dl. Bên cạnh đó, vào năm 2012 theo nghiên cứu của tiến sĩ Cerezo C và Ruilope LM cũng ghi nhận việc tăng acid uric có thể là một dấu hiệu tiên lượng của tai biến tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ và tử vong; cũng như sẽ dự đoán sự phát triển của tăng huyết áp, bệnh béo phì, bệnh thận, tiểu đường.

Ổn định acid uric máu để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe

Từ các thông tin trên đã cho thấy, cho dù chúng ta không bị kèm theo bất kỳ các triệu chứng gì thì việc tăng nồng độ acid uric máu cũng đừng nên xem thường. Ở trường hợp này, biện pháp tốt nhất bạn có thể áp dụng là nên thay đổi chính từ thói quen sống, chế độ ăn uống hằng ngày, nên kiêng khem một số loại thực phẩm giàu đạm purin, uống nhiều nước hơn, hạn chế rượu bia và luyện tập thể dục thường xuyên. Song song đó, việc kiểm tra nồng độ acid uric máu thường xuyên sẽ giúp bạn có thể tầm soát tình trạng này tốt hơn.

Tuyết Cơ