Từ trước đến nay, tăng acid uric (sản phẩm cuối cùng của quá trình thủy phân nucleoprotein) trong máu - vẫn được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh gút ở người, có nhiều quan điểm xung quanh sự tồn tại của chất này. Vậy thực chất acid uric là có lợi hay có hại?
Quan điểm trái chiều về sự tồn tại acid uric trong cơ thể người
Acid uric được tạo thành trong cơ thể do quá trình thoái giáng của các nhân purin. Đã có nhiều ý kiến khác nhau về cơ chế sản sinh chất này ở người:
- Theo Taniguchi A. và cộng sự (2008): hầu hết ở các loài động vật có vú có enzym uricase làm suy giảm acid uric máu. Bộ gen người có chứa gen của enzym uricase nhưng gen này đã bị bất hoạt bởi một đột biến có hại. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm tăng nguy cơ về tình trạng tăng quá mức acid uric trong máu. Acid uric được tổng hợp chủ yếu ở gan và bài tiết 70% qua thận, phần còn lại bài tiết vào ruột. Bất cứ nguyên nhân nào làm tăng sản xuất hoặc giảm bài tiết acid uric cũng làm tăng nồng độ chất này trong máu.
- Theo Álvarez- Lario B. và cộng sự (2010): acid uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purin ở người liên quan đến sự mất hoạt động của uricase, bởi những đột biến khác nhau của gen uricase trong suốt kỷ nguyên Miocene, dẫn đến con người có mức acid uric cao hơn động vật có vú khác. Hơn nữa, 90% acid uric lọc qua thận được tái hấp thu, thay vì bài tiết. Điều này cho thấy acid uric không phải chỉ là một chất thải nguy hiểm mà còn là một sản phẩm mang lại lợi ích và những lợi ích này được lưu giữ. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy những lợi thế tiến hóa có thể có của việc mất uricase và sự gia tăng tiếp theo của mức acid uric. Một số tác giả cho rằng do hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ của acid uric và lợi ích tiến hóa này có thể làm tăng tuổi thọ của con người.
- Đối với các tác giả khác, sự mất mát của uricase và sự gia tăng acid uric có thể là một cơ chế để duy trì huyết áp.
- Cuối cùng, acid uric có tác dụng chống lại một số bệnh thoái hóa thần kinh do nó có những hỗ trợ chức năng và phát triển tế bào thần kinh.
Có thể nói, sự tồn tại của acid uric không hẳn là bất lợi, nó chỉ bất lợi khi nồng độ của nó trong máu vượt quá mức cho phép dẫn đến nguy cơ bệnh gút, một căn bệnh kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hỗ trợ điều hòa hàm lượng acid uric bằng thảo dược
Bình thường, quá trình tổng hợp và bài tiết acid uric ở trạng thái cân bằng. Tổng lượng acid uric trong cơ thể có khoảng 1000 mg, trong đó có khoảng 650 mg được tổng hợp mới và cũng với số lượng tương tự bị đào thải chủ yếu qua thận. Một rối loạn chuyển hóa bất kỳ làm thay đổi lượng sản xuất và lượng bài tiết sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng, kết quả là làm tăng acid uric trong máu, nguy cơ gây ra bệnh gút.
Ngọc Hương