Đối với một người cho dù được chẩn đoán là mắc hội chứng tăng axit uric máu hay thậm chí là bệnh gút thì việc sử dụng thuốc hạ axit uric máu cần phải được kiểm soát. Bởi vì việc sử dụng không đúng cách và lạm dụng thuốc sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Có phải cứ tăng axit uric máu là bệnh gút?

Hiện nay, ở nước ta có hàng triệu người đang khổ sở vì bệnh gút và con số này ngày càng tăng lên nhanh chóng. Trước đây, bệnh gút được xem là “bệnh nhà giàu”, chỉ có những người có điều kiện, ăn uống thừa dưỡng chất, đặc biệt là chất đạm thì mới có nguy cơ mắc bệnh gút. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, chúng ta ngày càng có điều kiện để hiểu biết đúng hơn về bệnh gút. Theo bác sĩ Đỗ Thị Xuân Hương – Trưởng khoa cơ xương khớp, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP. Hồ Chí Minh cho biết, chúng ta không nên chỉ dựa vào chỉ số axit uric trong máu để đánh giá tình trạng bệnh gút, bởi vì có một số người có nồng độ axit uric cao nhưng không kèm theo các dấu hiệu lâm sàng của bệnh gút như: nóng, sưng, đỏ, đau ở vị trí các khớp thì không thể chẩn đoán người đó mắc bệnh gút. Trong trường hợp này, bệnh nhân này chỉ bị hội chứng tăng axit uric máu, chưa đến giai đoạn của bệnh gút.

Để xác định chính xác một người có mắc bệnh gút hay không, cần dựa vào 2 yếu tố là: những triệu chứng lâm sàng của bệnh gút và nồng độ axit uric thông qua xét nghiệm máu. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch ở vị trí khớp đang bị đau để kiểm tra, nếu như có sự hiện diện của các tinh thể muối urat thì xác định đã mắc bệnh gút. Hoặc, có thể áp dụng phương pháp điều trị thử bằng cách chỉ cho bệnh nhân sử dụng colchicin và không cho những thuốc kháng viêm khác trong vài ngày, sau đó đánh giá chính xác tình trạng của người bệnh.

Vậy khi nào bệnh nhân nên sử dụng thuốc hạ axit uric máu?

Theo các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành, sau khi xét nghiệm và có kết quả là tăng axit uric máu nhưng người bệnh không có những dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh gút thì họ chưa cần phải dùng thuốc hạ axit uric ngay. Điều cần thiết lúc này là người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống, vận động, cũng như tất cả những yếu tố nguy cơ nào khiến người bệnh có khả năng tăng axit uric máu. Bởi vì việc dùng thuốc không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích, nếu chúng ta sử dụng không đúng theo chỉ định của bác sĩ thì bên cạnh công dụng điều trị bệnh, đây cũng là một trong những loại thuốc ảnh hưởng nhiều đến thận, gây dị ứng… rất có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi áp dụng các phương pháp trên mà vẫn chưa cải thiện được tình trạng này, lúc đó bệnh nhân nên dùng đến các thuốc hạ axit uric máu theo sự kiểm soát của các bác sĩ điều trị.

Đối với những người đã được chẩn đoán là mắc bệnh gút thì việc sử dụng các thuốc hạ axit uric cũng cần phải cân nhắc và tùy thuộc vào tình trạng tổng thể của họ. Khi bệnh nhân đang bị tấn công bởi các cơn gút cấp thì việc hạ axit uric máu không nhất thiết phải áp dụng ngay mà người bệnh cần được điều trị bằng các thuốc giảm đau chống viêm như colchicine và các thuốc nonsteroid, sau khi kiểm soát được cơn gút cấp thì nên dùng thuốc hạ axit uric để ngăn ngừa những cơn gút cấp tái phát trở lại. Đặc biệt lưu ý trong việc dùng loại thuốc này, bệnh nhân nên dùng từ liều thấp đến cao để tránh gây dị ứng thuốc.

Tú Vy