Axit uric là sản phẩm cuối cùng trong quá trình chuyển hóa thực phẩm chứa nhân purin trong cơ thể. Thông thường nồng độ axit này ở mức ổn định, tuy nhiên vì một số lý do khiến cho việc đào thải axit uric máu bị suy giảm dẫn đến axit uric máu tăng cao. Khi nồng độ này tăng cao có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm đặc biệt là bệnh gút. Vì vậy, việc xét nghiệm nồng độ axit uric máu sẽ giúp tầm soát được bệnh gút và các bệnh liên quan.

Nồng độ axit uric tạo thành được lọc qua thận và đào thải qua nước tiểu, một phần nhỏ qua đường tiêu hóa. Axit uric trong cơ thể thông thường ở mức ổn định nhưng vì một số lý do như: di truyền, thiếu hụt enzyme chuyển hóa purin, suy giảm chức năng thận… khiến cho việc đào thải axit này bị suy giảm dẫn đến nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Theo thời gian sẽ hình thành nên các tinh thể muối urat hình kim lắng đọng tại các khớp và gây ra các cơn gút cấp. Axit uric cao cũng là nguyên nhân gây ra sỏi thận urat. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng tăng axit uric máu có thể giúp phòng ngừa bệnh gút và các bệnh liên quan.

Khi nào cần xét nghiệm axit uric máu

-         Chẩn đoán bệnh gút

-         Chẩn đoán sỏi thận urat

-         Đánh giá tác dụng của thuốc hạ axit uric máu

-         Kiểm tra nồng độ axit uric máu trên bệnh nhân ung thư đang điều trị liệu pháp hóa học trị liệu hoặc phóng xạ.

Xét nghiệm axit uric trong chẩn đoán bệnh gút

Những người có nồng độ axit uric máu cao sẽ có nguy cơ phát triển thành bệnh gút. Để xác định có mắc bệnh gút hay không người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra, các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm liên quan. Trong đó, xét nghiệm nồng độ axit uric máu sẽ được tiến hành thường xuyên và định kì trong suốt quá trình điều trị của bệnh nhân. Khi nồng độ axit uric trong máu tăng trên ngưỡng 420 µmol/l hoặc 7 mg/dl và kèm theo những dấu hiệu đặc trưng như sưng nóng đỏ đau ở các khớp thì chứng tỏ đã mắc bệnh gút. Trường hợp nồng độ axit uric máu tăng nhưng không kèm theo các dấu hiệu trên thì được gọi là hội chứng tăng axit uric máu không triệu chứng. Tuy nhiên, atrong trường hợp này nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như chủ quan không phòng bệnh thì nguy cơ tiến triển thành bệnh gút rất cao.

Bảo An