CÁC BỆNH LÝ ĐI KÈM VỚI TĂNG AXIT URIC MÁU.
Bệnh gút được đặc trưng bởi sự tăng nồng độ axit uric trong máu gây ra sự lắng đọng các tinh thể muối urat tại các khớp dẫn đến tình trạng sưng nóng, đỏ, đau khớp…Tuy nhiên, việc tăng axit uric trong máu không chỉ là nguyên nhân chính gây ra bệnh gút mà còn liên quan đến các bệnh khác như: béo phì, tăng lipid máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.
- Béo phì làm gia tăng tổng hợp axit uric máu.
Có một mối tương quan giữa cân nặng cơ thể và nồng độ axit uric trong máu. Theo các thông kê mới nhất, cho thấy khoảng 50% người bệnh gút có dư cân >20% trong lượng cơ thể. Điều này có thể giải thích rằng, do béo phì làm tăng tổng hợp axit uric máu và giảm khả năng thải axit uric niệu, đây chính là 2 nguyên nhân chính gây ra bệnh gút.
- Tăng lipid trong máu và tăng axit uric máu có liên quan với nhau.
Các nghiên cứu cho thấy việc tăng các Tryglicerid (TG) sẽ kèm theo gia tăng axit uric trong máu, trong đó khoảng 80% người tăng TG sẽ có kèm theo tăng axit uric và khoảng hơn 50% bệnh nhân gút có kèm theo tăng TG. Ở người bệnh gút, ngoài việc rối loạn về thành phần Tryglicerid, người ta còn thấy sự rối loạn về các lipoprotein có chức năng bảo vệ thành mạch (HDL). Sự liên quan giữa gút và rối loạn lipid máu chính là một phần gây ra các hội chứng chuyển hóa như tăng cân, tăng TG và giảm HDL, tăng huyết áp, các bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch vành.
- Tăng axit uric máu gián tiếp gây xơ vữa động mạch.
Tuy việc tăng axit uric trong máu không phải là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh mạch vành. Việc tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch thì có liên quan nhiều đến tình trạng béo phì hơn là sự tăng axit máu. Đối với bệnh nhân gút, thì các yếu tố nguy cơ đó góp phần làm gia tăng mối quan hệ giữa axit máu và xơ vữa động mạch. Từ đó cho thấy rằng axit uric máu chỉ gián tiếp gây ra các vấn đề tim mạch thông qua việc kết hợp với các bệnh lý nói trên.
Hồng Nhung.