Viêm xương khớp là bệnh thoái hóa khớp mà không có loại thuốc nào để ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình tiến triển của nó. Theo Trung tâm y tế đại học Duke cho biết, người có nồng độ acid uric cao trong cơ thể thì có nguy cơ viêm xương khớp cao hơn người bình thường. Vì vậy, chúng ta nên có biện pháp thích hợp để cải thiện tình trạng tăng acid uric trong máu nhằm làm giảm nguy cơ mắc chứng viêm xương hoặc các chứng bệnh liên quan.
Acid uric cao sẽ làm tăng nguy cơ viêm xương khớp
Viêm xương khớp là tình trạng liên quan trực tiếp đến lớp sụn bao bọc các đầu xương. Tại tất cả các đầu khớp đều có một lớp sụn trơn láng bao bọc, lớp sụn này có chức năng làm giảm ma sát, va chạm giữa hai đầu khớp xương mỗi khi chúng ta cử động đi lại. Khi các lớp sụn này bị rách hoặc bị mài mòn chính là biểu hiện của bệnh viêm xương khớp và sẽ gây nên tình trạng đau nhức mỗi khi bệnh nhân vận động.
Trong các nghiên cứu về chứng viêm xương khớp thì một nghiên cứu nổi bật tại đại học Duke, do GS. TS Virginia Byers Kraus đã chứng minh được mối liên quan giữa tăng acid uric cao và nguy cơ mắc chứng viêm xương khớp. Nghiên cứu được tiến hành trên 159 người, đây là những bệnh nhân bị viêm khớp gối nhưng không có tiền sử mắc bệnh gút (một loại viêm khớp do sự lắng đọng các tinh thể muối urat ở khớp gây ra). Từ kết quả thu được, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, mức độ nghiêm trọng của viêm xương khớp có sự tương quan mạnh với nồng độ acid uric có trong khớp gối của họ. Kết quả đã được công bố trực tuyến trong chương trình PNAS, khoảng 39% người bị tăng acid uric cao trong cơ thể và không có tiền sử mắc bệnh gút, nhưng họ lại có tình trạng viêm khớp bị gây ra bởi các tinh thể muối urat có trong khớp gối. Kraus còn cho biết thêm: “Ở những người không bị gút, thì điều này còn chứng minh rằng, mức acid uric trong cơ thể chính là nguyên nhân tiềm tàng của sự viêm xương khớp”. Từ đó, Kraus và các đồng nghiệp của cô đã đưa ra kết luận: acid uric có liên quan chặt chẽ với mức độ nghiêm trọng và tiến triển của bệnh viêm khớp theo thời gian. Và chúng ta cần phải tìm cách hạ nồng độ acid uric để ngăn ngừa sự khởi phát hoặc tiến triển của tình trạng viêm xương khớp.
Hạ nồng độ acid uric trong cơ thể để giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan
Hiện nay, các bác sĩ chỉ có thể điều trị các triệu chứng viêm khớp cho người bệnh như giảm tình trạng đau nhức, chống viêm hoặc dùng các loại thuốc hạ acid uric máu. Tuy nhiên, việc tùy ý sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài sẽ rất dễ gây ra sự nhờn thuốc và kèm theo nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Chính vì thế, việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là vấn đề cần thiết hơn đối với người bệnh. Việc sử dụng thuốc chỉ được áp dụng khi nồng độ acid uric tăng quá cao hoặc vẫn không giảm khi đã áp dụng các biện pháp trên, nhưng việc dùng thuốc phải theo đúng sự chỉ định của bác sĩ.
Bích Tuyết