Axit uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purin – một hợp chất được tìm thấy nhiều trong thực phẩm chúng ta vẫn ăn hàng ngày. Axit uric dư thừa, không được loại bỏ hết ra ngoài cơ thể sẽ lắng đọng tại các khớp và gây ra bệnh gút. Hiện nay, các chuyên gia tin rằng, axit uric cao có thể liên quan đến bệnh mất trí nhớ. Tại sao lại như vậy? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau!

Axit uric cao làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Tại sao?

Axit uric vốn là một axit yếu thường tồn tại dưới dạng muối monosodium urat và được hòa tan trong huyết tương. Nồng độ axit uric máu trung bình ở nam: 5,1 ± 1,0 mg/dl (thấp hơn 420 μmol/lít), với nữ 4,0 ± 1mg/dl (thấp hơn 360 μmol/lít). Axit uric có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người, giúp kích thích bộ não hoạt động tốt hơn và chống oxy hóa.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ thể sản sinh nhiều axit uric và bài tiết ra ngoài quá ít, khiến nồng độ axit uric trong máu sẽ gia tăng. Tình trạng này được gọi là tăng axit uric máu. Nếu nồng độ axit uric cao, muối monosodium urat (MSU) sẽ hình thành các tinh thể dạng kim. Khi các tinh thể MSU tích tụ ở khớp, chúng sẽ gây ra tình trạng viêm, đau nhức, đó là các triệu chứng đặc trưng của bệnh gút.

Không chỉ là nguyên nhân gây ra bệnh gút, axit uric máu cao còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác như sỏi thận, suy thận,… Mới đây, các nhà khoa học Pháp cho biết, axit uric cao có thể là nguyên nhân gây ra mất trí nhớ.

Một nghiên cứu được công bố trên “Annals of the Rheumatic Diseases”, đã tìm thấy nguy cơ mất trí nhớ (đặc biệt là chứng mất trí mạch máu hoặc hỗn hợp) tăng lên ở người có nồng độ axit uric máu cao, đặc biệt là người cao tuổi.

Gần 1.500 người khỏe mạnh từ 65 tuổi trở lên được phân tích trong thời gian khoảng 10 năm. Các chuyên gia phát hiện, chứng mất trí đã phát triển ở 110 người tham gia và xác định một mối liên hệ giữa axit uric và chứng mất trí mạch máu. Các chuyên gia cho biết, sự kết hợp của chứng mất trí mạch máu hoặc hỗn hợp có tỷ lệ nguy cơ là 3,66%.

Mất trí nhớ mạch máu là loại bệnh mất trí nhớ phổ biến thứ hai sau bệnh Alzheimer. Nó khiến người bệnh gặp khó khăn với suy nghĩ và ngôn ngữ, xảy ra khi não bị tổn thương do các vấn đề về cung cấp máu cho não.

Pascal Richette - tác giả cao cấp về nghiên cứu cho biết, tăng axit uric máu làm tăng nguy cơ mất trí nhớ mạch máu. Ông cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy, chúng ta không bao giờ được phép bỏ qua mức axit uric máu cao ở bệnh nhân”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm nồng độ axit uric để chúng luôn ở ngưỡng an toàn.

“Các phát hiện của chúng tôi hỗ trợ một số nghiên cứu trước đây và cho thấy rằng, mức độ axit uric tăng nhẹ có thể góp phần làm thay đổi chức năng não cũng như tình trạng suy giảm nhận thức, đặc biệt là ở những người lớn tuổi”, ông Pascal Richette cho biết.

Các chuyên gia nhận định, không có mối liên hệ nào giữa tăng axit uric máu và bệnh Alzheimer.