Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh gout ở Việt Nam đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, có nhiều người bị gout lại chưa hiểu rõ về căn bệnh của mình và phương pháp điều trị. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về tình trạng gout cấp và phác đồ điều trị gout cấp chuẩn do Bộ Y tế ban hành.
Gout cấp là gì?
Gout cấp (hay còn được gọi là đợt viêm khớp cấp) là tình trạng các khớp bị viêm, sưng, tấy, đau đớn dữ dội, hạn chế vận động do sự hình thành của các vi tinh thể muối natri urat lắng đọng tại khớp. Đặc trưng của cơn gout cấp là tái đi tái lại nhiều lần với tần suất tăng lên qua các năm.
Căn nguyên cốt lõi gây ra gout là do rối loạn chuyển hóa nhân purin. Sự mất cân bằng giữa tổng hợp và đào thải acid uric dẫn đến nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Lâu dần hình thành nên các muối urat, lắng đọng tại các khớp và thận.
Người bệnh đau dữ dội khi có cơn gout cấp
Tại sao cơn gout cấp xuất hiện?
Để điều trị gout cấp hiệu quả, đầu tiên cần phải hiểu rõ về căn nguyên gây ra bệnh. Nguyên nhân cơn gout cấp có thể chia làm 2 nhóm:
Nguyên nhân nguyên phát gây cơn gout cấp
Nguyên nhân nguyên phát gây ra các cơn gout cấp là nhóm căn nguyên chưa được xác định rõ. Chế độ dinh dưỡng chứa nhiều thực phẩm giàu nhân purin là yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng thêm. Một số thực phẩm giàu nhân purin phải kể đến như nội tạng động vật (gan, thận, tim,...), hải sản (tôm, cua,...), lòng đỏ trứng gà, nấm,…
Độ tuổi người bệnh bị gout do nhóm nguyên nhân này dao động từ 30 - 60 tuổi, trong đó phải đến 95% là nam giới.
Nguyên nhân thứ phát gây cơn gout cấp
Nhóm nguyên nhân thứ phát gây ra các cơn gout cấp bao gồm: Tăng tổng hợp sản xuất acid uric, giảm thải trừ acid uric ra ngoài cơ thể, hoặc cả hai nguyên nhân trên kết hợp đồng thời. Cụ thể như sau:
- Người có các bệnh lý liên quan đến thận gây giảm độ thanh thải acid uric máu tại cầu thận.
- Người có bệnh lý về máu: Bệnh Leukemia cấp (ung thư máu).
- Người đang sử dụng các nhóm thuốc lợi tiểu như Thiazid, Furosemid, Acetazolamid,...
- Người đang sử dụng thuốc ức chế tế bào mắc các bệnh ác tính, thuốc chống lao (pyrazinamid, ethambutol, …)
Ngoài ra, còn một nguyên nhân hiếm gặp nữa là rối loạn về gen, có thể hiểu là do di truyền.
Sử dụng các thuốc ức chế tế bào, thuốc chống lao,… cũng là nguyên nhân thứ phát gây ra gout
>>> XEM THÊM: Nguyên nhân gây bệnh gút mà bạn có thể bỏ qua
Phác đồ điều trị gout cấp do Bộ Y tế ban hành
Năm 2014 Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh gout cấp như sau:
Về nguyên tắc điều trị chung
Trong phác đồ điều trị gout cấp do Bộ Y tế ban hành có đưa ra nguyên tắc điều trị chung là:
- Đối với người bệnh đang trong cơn gout cấp, cần điều trị viêm khớp.
- Có 3 yếu tố cần dự phòng đối với người bệnh gout, đó là: Tái phát cơn gout cấp, sự lắng đọng urat tại các tổ chức và các biến chứng có thể xảy ra
- Mục tiêu kiểm soát nồng độ acid uric trong máu là: < 360 µmol/l (đối với người bị gout chưa có hạt tophi) và < 320 µmol/l (đối với người bị gout đã có hạt tophi).
Các biện pháp không sử dụng thuốc
Đối với nhóm biện pháp này, người bệnh gout cần thay đổi về chế độ dinh dưỡng, đời sống sinh hoạt và luyện tập:
- Hạn chế tối đa các thực phẩm chứa nhiều nhân purin như nội tạng của động vật (gan, thận, tim,...), hải sản (tôm, cua,…). Có thể thay thế đạm động vật bằng đạm thực vật, có trong các loại hạt. Người bệnh vẫn có thể ăn trứng, thịt. Tuy nhiên, lượng thịt cung cấp cho cơ thể trong một ngày phải dưới 150g/ 24h.
- Tăng cường uống nước, trong một ngày có thể uống từ 2-4 lít. Nên sử dụng các loại nước khoáng có kiềm. Việc cung cấp cho cơ thể nhiều nước sẽ làm tăng bài tiết nước tiểu, hạn chế tối đa các tinh thể urat lắng đọng tại đường tiết niệu.
- Hạn chế các yếu tố nguy cơ làm khởi phát cơn gout cấp như căng thẳng, mệt mỏi, stress hoặc gặp phải các chấn thương.
Tăng cường uống nước mỗi ngày cũng là cách để điều trị gout cấp
Các thuốc sử dụng trong điều trị nội khoa
Có 2 nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị gout cấp. Bao gồm: Thuốc chống viêm và giảm acid uric máu
1. Thuốc chống viêm
Có 3 nhóm thuốc giúp giảm đau và chống viêm dùng trong điều trị gout cấp là:
Colchicin
- Thuốc này dùng được cho cả trường hợp người bệnh bị đau do cơn gout cấp hoặc đợt cấp của cơn gout mạn.
- Liều sử dụng Colchicin cần được kiểm soát do thuốc có nhiều tác dụng phụ. Liều lượng có thể cho phép là 1mg/ ngày và thời điểm nên dùng là trong vòng 12h đầu sau khi khởi phát cơn đau gout.
Thuốc kháng viêm không có steroid (NSAIDs)
- Một số thuốc trong nhóm này có thể kể đến như: Ibuprofen, Indomethacin, Piroxicam, Naproxen,… Cần lưu ý nhóm thuốc này có chống chỉ định trên một số đối tượng bị suy thận, viêm loét dạ dày - tá tràng.
Corticosteroid
- Corticosteroid đường dùng toàn thân là sự lựa chọn cuối cùng nếu người bệnh sử dụng các loại trên không đem lại hiệu quả hoặc có chống chỉ định. Liều lượng và thời gian sử dụng cần hạn chế, người bệnh không tự ý thêm bớt liều khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Corticosteroid đường tiêm tại chỗ (tiêm ngay tại vị trí khớp đang bị viêm) có thể hạn chế được một phần tác dụng phụ trên toàn thân. Tuy nhiên, cần lưu ý, các thao tác tiến hành tiêm phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.
Colchicin là thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị gout cấp
2. Thuốc giảm acid uric máu
Có 3 nhóm thuốc với 3 cơ chế khác nhau giúp giảm acid uric trong máu thường dùng:
Nhóm ức chế tổng hợp acid uric:
- Allopurinol là thuốc hay được sử dụng để điều trị gout cấp nhất trong nhóm này. Tùy vào nồng độ acid uric trong máu mà liều lượng sẽ được căn chỉnh cho phù hợp. Trong 1 tuần sử dụng, người bệnh dùng Allopurinol với liều 100mg/ ngày và sau đó tăng dần lên 200-300mg/ngày.
- Thuốc nên được chỉ định khi tình trạng viêm tại khớp ở người bệnh đã giảm, không dùng tại thời điểm đang bị cơn gout cấp.
- Người bệnh cần thận trọng trong quá trình sử dụng Allopurinol bởi một số tác dụng phụ mà nó đem lại như đau đầu, sốt, buồn nôn, dị ứng,… đặc biệt là trong những ngày đầu sử dụng thuốc.
Nhóm thuốc tăng thải trừ acid uric:
- Bao gồm Probenecid, Sunfinpyrazol, Benzbromaron, …
- Các thuốc này trước khi chỉ định cho người bệnh sử dụng cần thực hiện xét nghiệm acid uric niệu. Đối với người có chỉ số acid uric niệu > 600mg/24h hoặc gặp các vấn đề: Suy thận, sỏi thận, cao tuổi, bị gout mạn tính có hạt tophi,… thì chống chỉ định.
Bác sĩ điều trị có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng phối hợp Allopurinol kèm theo một thuốc tăng đào thải acid uric. Cả hai nhóm thuốc kể trên đều nên được chỉ định cho người bệnh đang gặp phải cơn gout cấp.
Nhóm thuốc hủy urat:
- Một số hoạt chất hay được biết đến như Pegloticase và Rasburicase.
- Nhóm thuốc này có khả năng biến đổi acid uric thành allatonin tan tốt trong nước, từ đó dễ dàng bị thải trừ ra ngoài qua đường nước tiểu. Các thuốc hủy urat có khả năng giảm nồng độ acid uric máu nhanh nhưng cũng làm tăng nguy cơ tái phát cơn gút cấp. Vì vậy chúng ít được sử dụng trên lâm sàng.
Phương pháp điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp người bệnh gout gặp phải các biến chứng như kích thước hạt tophi quá lớn hoặc loét, bội nhiễm hạt tophi,… làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và trở ngại trong cuộc sống sinh hoạt thì sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi. Khi phẫu thuật, cần sử dụng Colchicin kết hợp với các thuốc hạ acid máu để giảm nguy cơ khởi phát cơn gout cấp.
Tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cục tophi do kích thước quá lớn
Sử dụng thảo dược cải thiện gout cấp
Ngoài áp dụng nghiêm ngặt phác đồ điều trị gout cấp của bác sĩ, nhiều chuyên gia khuyên người bệnh nên kết hợp sử dụng một số thảo dược giúp ổn định nồng độ acid uric trong máu và ngăn ngừa sự tái phát của cơn gout cấp. Một số thảo dược phải kể đến như:
- Trạch tả: Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh trong trạch tả có chứa các thành phần giúp lợi tiểu và hạ nồng độ acid uric trong máu. Nhiều người mắc bệnh gout cũng kết hợp sử dụng thêm trạch tả trong các bữa ăn của mình giúp ổn định acid uric máu đáng kể.
- Thổ phục linh: Có tác dụng cường gân cốt, bảo vệ xương khớp và chống lại các tác nhân gây oxy hóa sụn khớp.
- Nhọ nồi: Đây là thảo dược thường được sử dụng trong các bài thuốc giúp kháng viêm, giảm đau. Nhờ đó mà các triệu chứng viêm trong cơn gout cấp được hạn chế rõ rệt.
Nhọ nồi có tác dụng kháng viêm và giảm đau tốt
Bài viết trên được tham khảo tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp do Bộ Y tế ban hành năm 2016. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết sẽ giúp độc giả có thể biết rõ hơn về căn bệnh này. Nếu bạn có thắc mắc gì thêm, đừng ngần ngại để lại bình luận bên dưới, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp nhanh chóng nhất.
Tài liệu tham khảo:
https://www.webmd.com/arthritis/understanding-gout-treatment
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gout/diagnosis-treatment/drc-20372903
https://kcb.vn/wp-content/uploads/2016/06/HD%C4%90T-C%C6%A1-X%C6%B0%C6%A1ng-Kh%E1%BB%9Bp.pdf