Dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn đối với người bệnh gút, bệnh tiểu đường. Do vậy đối với bệnh nhân vừa mắc cả 2 căn bệnh này thì chế độ dinh dưỡng của họ cần phải được chú trọng đặc biệt hơn. Mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết sau để xây dựng chế độ ăn uống thích hợp cho mình và người nhà nếu cùng mắc phải vấn đề
3 Nhóm thực phẩm nên tránh nhằm hạn chế tăng acid uric và đường huyết
Các bác sĩ chuyên khoa và các nhà dinh dưỡng khuyến cáo nhóm bệnh nhân vừa mắc bệnh gút và tiểu đường nên tránh các loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến nồng độ acid uric và insulin trong cơ thể. Do đó, chế độ ăn của nhóm người mắc các bệnh này được khuyến cáo phải tập trung vào việc giảm cả nồng độ acid uric và lượng đường trong cơ thể.
1. Tránh các thức ăn giàu purine
Acid uric được tạo ra từ quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể và được hình thành chính từ nguồn gốc nội sinh và ngoại sinh, trong đó việc chuyển hóa từ thức ăn chiếm ưu thế hơn cả. Vì vậy, việc hạn chế các thức ăn giàu đạm purin sẽ giúp chúng ta giảm được lượng acid uric máu rất đáng kể và điều này sẽ làm giảm sự tiến triển xấu của bệnh gút. Ngoài ra, khi lượng acid uric máu cao còn có thể làm tăng sự đề kháng insulin. Chính điều này sẽ dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cũng tăng theo. Các thực phẩm giàu purine là cá thu, cá cơm, nội tạng động vật, đậu khô, đậu Hà Lan, thức ăn đóng hộp, mì ăn liền,…
2. Tránh các loại thực phẩm giàu fructose.
Thực phẩm giàu fructose tiêu tốn rất nhiều nguồn năng lượng của tế bào. Khi chúng ta ăn nhiều thực phẩm chứa lượng đường fructose cao sẽ khiến cơ thể bị tích tụ acid lactic và acid uric do quá trình hô hấp thiếu năng lượng gây ra. Ngoài ra, fructose còn làm tăng lượng đường trong máu khiến bệnh đái tháo đường càng thêm trầm trọng. Thực phẩm cần tránh là táo, chuối, lê, dưa hấu, măng tây, đậu, nho khô, quả sung, đồ uống có ga,…
3. Tránh uống rượu, bia
Rượu, bia gây trở ngại cho việc loại bỏ các axit uric ra khỏi cơ thể. Khi lượng cồn được chuyển thành acid lactic, chất này cạnh tranh với acid uric để được bài tiết qua thận trước. Không những thế, rượu bia còn có thể ảnh hưởng đến độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Vì vậy, rượu bia tác động xấu tới cả 2 bệnh lý này.