Gút không chỉ gây tổn thương các khớp xương mà còn tác động đến nhiều bộ phận khác của cơ thể, gây những biến chứng nặng nề như suy thận, đột quỵ… Cuộc sống hiện đại với chế độ ăn uống giàu đạm, thói quen sinh hoạt không khoa học khiến gút càng có cơ hội tấn công con người và trở thành một trong những căn bệnh thời đại, vấn đề “nóng” của toàn xã hội.

 Nguyên nhân gây bệnh gút bắt đầu từ đâu?

Đứng thứ tư trong số 15 bệnh khớp thường gặp hiện nay, bệnh gút được xác định thường do sự rối loạn chuyển hóa purin làm tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn tới ứ đọng tinh thể urat tại khớp, gây viêm khớp.

Nguyên nhân gây bệnh gút thường gặp nhất là do chế độ ăn uống thiếu khoa học, dung nạp quá nhiều thực phẩm giàu purin như: thịt bò, hải sản, đậu Hà Lan, đậu lăng, bột yến mạch, cải bó xôi, măng tây, nấm,…; uống nhiều rượu, bia…

Bên cạnh đó, đây cũng là bệnh gắn liền với yếu tố di truyền và cơ địa, xuất hiện do quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng lên dẫn tới nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Qua nghiên cứu, các chuyên gia của Viện Gút đã đưa ra kết luận: yếu tố di truyền chiếm 25% nguyên nhân gây ra gút nguyên phát và nếu trong gia đình có bố mẹ mắc gút thì con cái nguy cơ mắc bệnh tăng 20%.

Ngoài ra, có một số yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nồng độ axit uric trong máu như các bệnh lý: bệnh về thận (viêm thận mạn tính, suy thận,…), bệnh máu (đa hồng cầu, đa u tủy xương,…), suy giáp, đái tháo đường nhiễm toan, hội chứng down, tăng huyết áp, ung thư.

 Triệu chứng biểu hiện của bệnh gút

Bệnh gút bao gồm 2 thể: cấp tính và mạn tính, và thường có những triệu chứng điển hình khác nhau:

Triệu chứng của gút cấp tính:

Các cơn viêm khớp thường xuất hiện sau một số hoàn cảnh thuận lợi như: sau một bữa ăn nhiều rượu thịt, do lao động nặng, chấn thương, đi lại nhiều, mang giày quá chật, nhiễm khuẩn cấp, những sang chấn về tinh thần (quá xúc động, cảm động, stress…), sau khi sử dụng một số thuốc lợi tiểu…

Một trong những đặc điểm đặc trưng đầu tiên của cơn gút cấp là các cơn đau kinh hoàng xuất hiện vào lúc ban đêm hoặc trời gần sáng. Các cơn đau này thường xuất hiện ở khớp bàn ngón chân cái (khoảng 70%) với biểu hiện: ngón chân sưng to, phù nề, căng bóng, nóng đỏ, xung huyết trong khi các ngón khác vẫn bình thường và khoảng 50% bệnh nhân có kèm theo một số dấu hiệu như: rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, mệt mỏi, đi tiểu nhiều và buốt, sốt nhẹ…

Đợt viêm khớp này kéo dài từ khoảng vài ngày đến hai tuần, đau nhiều vào ban đêm và giảm vào ban ngày. Sau đó, chỗ viêm nhẹ dần, các cơn đau cũng giảm, da hơi tím, hơi ướt, ngứa, bong vẩy và sau đó khỏi hẳn…

Tùy theo cơ địa và chế độ sinh hoạt của mỗi người mà các cơn gút cấp sẽ tái phát trở lại với thời gian khác nhau, có người thì một tháng, có người đến vài năm sau.

Triệu chứng của gút mạn tính:

Gút mạn tính được đặc trưng bởi sự hình thành các cục tophi và viêm đa khớp mạn tính, đây là giai đoạn tiếp theo của gút cấp tính.

+ Triệu chứng lâm sàng ở khớp: là sự lắng đọng các tinh thể muối urat ở các khớp, màng hoạt dịch, đầu xương, sụn…Các u cục này có kích thước to nhỏ không đều, mềm, không di động, không đối xứng, không cân đối, ấn vào không đau, nằm ở dưới da, đôi khi bị vỡ gây loét và chảy nước vàng kèm theo chất màu trắng giống như phấn.

+ Viêm đa khớp: Các khớp nhỏ và nhỡ bị viêm như khớp ngón chân và tay, cổ tay, khuỷu tay, khớp gối, viêm có tính chất đối xứng, biểu hiện viêm thường nhẹ, đau không nhiều và diễn biến khá chậm. Một số khớp to như khớp háng, vai và cột sống thường không bị tổn thương.

+Biểu hiện ngoài khớp:

Tinh thể muối urat lắng đọng ở thận gây viêm thận, sỏi thận; lắng đọng ở ngoài da, móng tay, móng chân,..; lắng đọng ở tim, cơ tim, van tim…