Sự hiện diện của nồng độ acid uric cao trong máu sẽ không tốt cho cơ thể, nếu kéo dài tình trạng này còn có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, phổ biến nhất là bệnh gút. Vì thế, chúng ta cần phải kiểm soát nồng độ acid thông qua một chế độ ăn uống hợp lý, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cũng như việc luyện tập yoga hàng ngày để ngăn ngừa được các bệnh lý liên quan.

Luyện tập Yoga rất tốt cho người bệnh gút

Thông qua việc luyện tập yoga thường xuyên và duy trì sẽ giúp tăng cường sự linh hoạt của xương khớp, cải thiện lưu thông máu, giúp đào thải acid uric ra ngoài hiệu quả,  đồng thời, ngăn chặn các tinh thể muối urat hình thành tại các khớp xương.

Bên cạnh đó, luyện tập yoga là phương pháp giúp người bệnh gút giảm cân an toàn. Nếu duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp khớp giảm được áp lực từ đó làm giảm bớt các cơn đau. Ngoài ra, tại trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Mỹ cho thấy, yoga giúp ngăn ngừa tăng cân ở độ tuổi trung niên, còn những người thừa cân nếu luyện tập yoga thường xuyên sẽ giảm cân tốt hơn so với những người không tập.

Các tư thế yoga căn bản giúp hỗ trợ điều trị bệnh gút

Dưới đây là hình ảnh của một số tư thế yoga phổ biến có thể giúp làm giảm bớt các cơn đau gây ra bởi sự tích tụ muối urat ở thận.

1. Tư thế em bé (Balasana):

Ngồi lên 2 gót chân và đặt phần thân trên 2 bắp chân, hạ trán sát xuống sàn. Đặt 2 bàn tay thả lỏng lên phía trên. Bạn sẽ cảm thấy xương sống đang kéo giãn ra (tư thế như hình 1). Giữ tư thế từ 15 giây đến 2 phút. Muốn thoát khỏi tư thế này, hãy hít vào đồng thời ấn 2 bàn tay xuống sàn để nâng thân lên vị thế ngồi.

Lưu ý: đối với những người có các cơn đau ở khớp gối không nên luyện tập động tác này.

2. Tư thế xoắn nửa cột sống (Ardha Matsyendrasana):

Thực hiện động tác này như hình 2, xoay vận người nhẹ nhàng, đặt tay lên gối sẽ cảm thấy kéo căng các cơ trên toàn cơ thể. Chú ý: tập từ từ, kết hợp với thở chậm và thư giãn, giữ tư thế đó khoảng 5 nhịp thở. Sau khi kết thúc động tác này nên nằm thư giãn từ 2-5 phút.

3. Tư thế nằm ôm gối (Pavan Mukhtasana):

Nằm hoàn toàn trên sàn. Co gối và áp sát đùi vào bụng, 2 tay ôm gối. Hít sâu và thở nhẹ nhàng, giữ tư thế này từ 3-5 nhịp thở. Lưu ý: động tác này không dành cho người cao huyết áp, bệnh tim hay trượt đĩa điệm.

4. Tư thế nằm ngửa thư giãn (Savasana):

Nằm thả lỏng và thư giãn, hít sâu 4 giây và thở nhẹ 8 giây, thực hiện 10 lần. Sau đó, thư giãn tự nhiên 5 phút trước khi lặp lại vòng mới thực hiện các động tác trên.

4 động tác đơn giản này các bạn có thể phối hợp thực hiện lặp lại từ 3-5 lần mỗi lần tập. Hằng ngày các bạn có thể tập 2 buổi, vào sáng sớm và lúc chiều tối sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.