Chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm ít purin luôn được khuyến khích áp dụng cho người bệnh gút bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định axit uric máu, từ đó ngăn ngừa nguy cơ bệnh gút tái phát. Dưới đây là top 5 thực phẩm ít purin người bệnh gút không thể bỏ qua.

Nhớ nằm lòng 5 thực phẩm “nghèo” purin cực tốt cho người bệnh gút

Purin là một hợp chất được tìm thấy trong thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Khi vào cơ thể, purin sẽ được phân hủy và biến đổi thành axit uric. Thông thường, axit uric được đào thải bởi thận qua đường tiết niệu.

Tuy nhiên, khi lượng axit uric quá lớn, thận không thể đào thải được khiến chúng kết tủa thành tinh thể muối urat hình kim sắc nhọn lắng đọng tại các khớp, gây ra cơn đau bệnh gút. Chính vì vậy, càng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu purin thì bạn càng có nguy cơ làm tái phát cơn đau gút cao hơn. Ngược lại, sử dụng thường xuyên thực phẩm “nghèo” purin sẽ rất tốt cho người bệnh gút. Dưới đây là 5 thực phẩm ít purin thân thiện cho các khớp xương của bạn.

1. Các loại ngũ cốc

Ngũ cốc nguyên hạt có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh gút. Hầu hết các loại ngũ cốc đều có hàm lượng purin thấp. Việc dùng ngũ cốc cũng tốt cho sức khoẻ hơn, vì chúng không chứa cholesteron như ở thịt động vật. 

Mới đây nhất, người ta đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 50.000 người tại Singapore về việc dùng các sản phẩm từ ngũ cốc (yến mạch, đậu,...). Kết quả cho thấy, những người này đã giảm được đáng kể các nguy cơ dẫn đến bệnh gút, thậm chí trong các xét nghiệm máu cũng cho thấy rằng, sản phẩm từ ngũ cốc không làm tăng lượng axit uric trong cơ thể.

2. Rau

Một chế độ ăn giàu rau quả rất quan trọng đối với sức khỏe. Trong khi các bác sĩ đã từng khuyên không nên dùng nấm, măng tây vì chúng có hàm lượng purin cao. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa hầu hết các loại rau với nguy cơ bệnh gút. Nó có thể là do hàm lượng purin trong rau thấp hơn nhiều so với các loại thịt. Theo các chuyên gia y tế, purin trong rau, củ dù nhiều cũng không gây phiền hà như purin có trong thịt. Các loại rau tốt cho người bệnh gút có thể kể tới như rau cải, bắp cải, dưa chuột,…

3. Quả anh đào

Nghiên cứu nhỏ được trình bày tại một cuộc họp của Liên đoàn châu Âu chống lại bệnh thấp khớp phát hiện ra rằng, những bệnh nhân uống một thìa nước ép anh đào ít nhất 2 lần/ngày trong vòng 4 tháng có thể giảm hơn 50% các cơn đau gút. Ở một nghiên cứu khác, những người ăn quả anh đào hoặc sử dụng chiết xuất từ ​​anh đào có ít cơn gút hơn trong 2 ngày sau khi ăn quả anh đào. Anh đào giúp giảm mức axit uric cũng như giảm tình trạng viêm.

4. Sữa ít chất béo

Nếu bạn đang gặp rắc rối với chứng đau khớp do bệnh gút thì sữa có thể là một lựa chọn thông minh. Tuy nhiên, cần bổ sung sữa một cách khéo léo, bởi vì hàm lượng chất béo cao trong các sản phẩm sữa có thể gây bất lợi cho người bệnh. Thay vì bỏ lỡ canxi hoặc cố gắng tìm các nguồn thay thế, bạn hãy chọn các loại sữa ít béo sẽ tốt hơn.

Các nhà điều tra đã phát hiện ra rằng, các sản phẩm sữa ít chất béo có thể cải thiện sự bài tiết axit uric trong nước tiểu. Trong một nghiên cứu trước đó, những người tiêu thụ một phần ăn hoặc nhiều sữa ít béo (hay sữa chua) mỗi ngày có ít axit uric trong máu hơn những người không ăn chúng. Hàm lượng protein cao và hàm lượng purin thấp có thể giải thích tác dụng giảm axit uric của sữa ít béo.

5. Nước

Nghiên cứu cho thấy, người uống nhiều nước hơn có nguy cơ mắc bệnh gút ít hơn so với bình thường. Với mỗi ly nước tiêu thụ trong 24 giờ trước một cuộc tấn công, cơn đau gút giảm cả về mức độ và thời gian. Những người uống từ 5 đến 8 ly nước đã giảm 40% nguy cơ bị bệnh gút so với những người uống chỉ một ly nước hoặc ít hơn trong 24 giờ trước đó. Các tác giả của nghiên cứu không thể đưa ra các khuyến nghị cụ thể về lượng nước mà mọi người nên uống vì nó phụ thuộc vào điều kiện y tế cơ bản và mức độ hoạt động thể chất của họ. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về lượng nước bạn nên uống mỗi ngày.

Hoàng Linh