Bệnh gút và tăng axit uric máu có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tăng axit uric máu trong một số điều kiện thuận lợi sẽ kết tủa các tinh thể muối urat hình kim tại các khớp gây nên các cơn gút cấp. Không chỉ dừng lại ở đó, tình trạng tăng axit uric kéo dài khiến cho người bệnh gút kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe như: thận suy yếu, hủy hoại xương khớp, hạn chế vận động, tàn phế…
Tăng axit uric máu là gì?
Axit uric là sản phẩm cuối cùng trong quá trình thoái giáng các chất đạm chứa nhân purin, các chất này có nhiều trong thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày. Ở người bình thường, lượng axit uric máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7 mg/dl (hoặc dưới 420 µmol/l đối với nam giới và dưới 360 µmol/l đối với nữ giới) và được giữ ở mức độ hằng định nhờ có sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải axit uric qua thận. Với sự chuyển hóa trong cơ thể gây mất cân bằng 2 quá trình này khiến cho nồng độ axit uric vượt quá ngưỡng trên gây nên tình trạng tăng axit uric máu.
Nguyên nhân gây tăng axit uric máu
Nguyên nhân gây tăng axit uric máu có thể được chia thành 3 loại: tăng sản xuất axit uric, giảm bài tiết axit uric và loại hỗn hợp.
+ Tăng sản xuất axit uric:
Trong chế độ ăn uống có chứa nhiều chất đạm chứa nhân purin, mắc bệnh thiếu máu huyết tán, một số bệnh làm gia tăng chuyển hóa tế bào, các mô và tổ chức bị phá hủy sau các đợt hóa trị hay xạ trị, béo phì…
+ Giảm bài tiết axit uric qua thận: suy thận, suy tim ứ huyết, hoặc sử dụng các thuốc lợi tiểu…
+ Nguyên nhân hỗn hợp: là vừa bao gồm tăng sản xuất và giảm bài tiết axit uric như: sử dụng nhiều rượu bia, nước ngọt, nhịn đói,…
Mối liên hệ giữa tăng axit uric máu và bệnh gút
Ở người bình thường, axit uric được đào thải ra ngoài nhờ khả năng bài tiết của thận. Với một số nguyên nhân trên đã gây ra tình trạng axit uric máu tăng cao. Tuy nhiên, ở một số người có nồng độ axit uric máu luôn cao nhưng không có biểu hiện lâm sàng của bệnh gút thì được gọi là hội chứng tăng axit uric máu không triệu chứng. Tình trạng này có thể diễn ra trong nhiều năm mà không tiến triển thành bệnh gút (khoảng 10-15%), nhưng phần lớn những người mắc hội chứng này đều diễn tiến thành bệnh gút.
Một thời gian sau, khi lượng axit uric tiếp tục tăng cao và lắng đọng các tinh thể muối urat tại các khớp gây ra những cơn co rút, sưng tấy, nóng đỏ khiến cho người bệnh có cảm giác đau đớn dữ dội, khó chịu… khi đó mới hình thành bệnh gút. Theo thời gian, nếu như tình trạng này không được cải thiện, sẽ hình thành các u cục tophi gây cản trở chức năng hoạt động, kèm theo những biến chứng xấu khác như: suy thân, sỏi thận, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Vì thế, có thể khẳng định rằng, bệnh gút và tăng axit uric máu có mối liên hệ mật thiết với nhau và tăng axit uric máu là nguyên nhân gây ra bệnh gút.
Kiểm soát axit uric máu để phòng ngừa bệnh gút và những biến chứng của bệnh
Kiểm soát axit uric máu ở những bệnh nhân gút với nhiều mục đích: hạn chế và ngừa các cơn gút cấp tái phát cũng như tránh sự phát triển của bệnh bước sang giai đoạn mạn tính cùng các biến chứng của bệnh. Việc này là vô cùng quan trọng cho dù người bệnh đã có hay chưa có những dấu hiệu lâm sàng của bệnh gút.
Đối với trường hợp tăng axit uric máu không triệu chứng, thì việc dùng các thuốc hạ axit uric là chưa cần thiết vì bệnh nhân phải mất nhiều chi phí cũng như tăng nguy cơ mắc nhiều tác dụng phụ do dùng thuốc. Trong trường hợp này, người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống hằng ngày để giảm axit uric máu là chủ yếu.Chỉ nên dùng khi việc thay đổi trên không mang lai nhiều cải thiện và để phòng ảnh hưởng đến chức năng thận.
Gia Bình