Từ lâu mỗi khi nhắc đến bệnh gút, người ta vẫn thường liên tưởng đến một căn bệnh ở khớp và hậu quả là làm hạn chế vận động, tuy nhiên, không dừng lại ở đó, gút là còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý khác ở người, trong đó có suy thận.
Mối liên hệ của thận trong cơ chế sinh bệnh gút
Nguyên nhân gây ra bệnh gút là sự lắng đọng các tinh thể urate trong tổ chức hoặc do sự bão hòa acid uric trong dịch ngoại bào. Gần đây tỷ lệ gia tăng ngày càng cao, theo thống kê tại khoa nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh gút chiếm khoảng 10 - 15% các bệnh khớp đến điều trị.
Gút là một bệnh rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó, thận là cơ quan có tác động trực tiếp đến nồng độ acid uric trong máu liên quan đến cả nguyên nhân lẫn hậu quả của bệnh gút.
Trong cơ chế tự nhiên, acid uric được cơ thể sản sinh hằng ngày bằng con đường tổng hợp nội sinh lẫn ngoại sinh và 75% trong số đó được đào thải qua nước tiểu. Vì vậy, thận đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa acid uric của cơ thể. Mọi nguyên nhân gây ra sự tổn thương ở thận đều làm tăng hàm lượng acid uric máu, dẫn đến sự hình thành các tinh thể urate. Không chỉ vậy thận còn là cơ quan giữ vai trò chính trong điều hòa nội môi, khi thận suy sẽ dẫn đến rối loạn các yếu tố khác như: pH, nồng độ các ion, muối, các chất hòa tan… tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kết tủa của tinh thể urate gây ra bệnh gút.
Bệnh gút là một nguyên nhân gây suy thận
Ở những người mắc bệnh gút, sự gia tăng nồng độ acid uric máu đến một mức độ bão hòa sẽ dẫn đến sự tích tụ các tinh thể urate ở nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó thận là cơ quan phải đối mặt sớm nhất với nguy cơ lắng đọng này. Tỷ lệ bệnh nhân sỏi thận do gút rất cao (gấp 200 lần so với người bình thường), chiếm 35 - 40% số bệnh nhân, tỉ lệ thuận với nồng động acid uric trong máu và lượng acid uric được bài tiết. Các tinh thể urate lắng đọng trong xoang thận sẽ gây sỏi thận có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, viêm đường tiểu, dãn thận, ứ nước, tắc các ống thận, tổn thương nhu mô thận. Những tổn thương này thường kết hợp với nhau làm suy giảm chức năng thận của bệnh nhân gút. Khi thận suy lại là nguyên nhân trực tiếp tham gia vào cơ chế sinh bệnh gút, tạo ra một vòng tuần hoàn khó kiểm soát, thúc đẩy bệnh gút tiến triển nhanh đến giai đoạn muộn rất khó điều trị. Hơn nữa, thận còn là kênh bài tiết các chất độc trong cơ thể như ure,…khi thận suy sẽ dẫn đến hàng loạt các bệnh lý khác kèm theo như: suy tim, tai biến mạch máu não,…Do đó, những cách giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh là loại trừ các nguyên nhân gây ra suy thận, một trong số đó được biết đến là bệnh gút.
Thanh Hương