Tác động của các loại đồ uống có cồn đối với lượng axit uric trong máu là rất khác nhau. Do đó, nguy cơ mắc bệnh gout khi uống các đồ uống này cũng không giống nhau. Trên thực tế, dân nghiền bia có nguy cơ bị bệnh gout cao hơn dân nghiền rượu.

Tại sao rượu bia lại là nguyên nhân gây bệnh gút?

Bia là nguồn cung cấp acid uric đáng kể

Acid uric là nguyên nhân chính gây lên bệnh gút. Acid uric là sản phẩm của quá trình phân hủy chất đạm purin và được bài tiết khỏi cơ thể qua đường tiểu. Thói quen sử dụng các đồ ăn, thức uống giàu chất purin đều dẫn đến tăng axit uric trong máu. Ngoài các thức ăn bồ dưỡng như thịt bò, cá, tôm, cua, phủ tạng động vật…, bia cũng được xem là nguồn cung cấp quá lớn nhân purin gây tăng acid uric trong máu và bệnh gút.

Trong quá trình theo dõi hơn 47.000 nam giới trong vòng 12 năm, một nhóm chuyên gia đến từ Bệnh viện Massachusetts (Mỹ) đã nhận thấy: những người uống 2 cốc bia mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần người không uống.

Đặc biệt, trong các cuộc nhậu, nam giới ít khi chỉ uống bia suông. Nào là các món sơn hào (thịt dê, thịt bê…) cho đến hải vị (tôm, cua, cá biển…) chứa rất nhiều purin gây nên bội thực lượng acid uric trong máu. Lượng acid uric trong máu tăng quá cao khiến thận không đào thải kịp gây lắng đọng tinh thể urat ở các khớp và gây nên cơn gút cấp. Điều này lý giải, tại sao gút lại “ghé thăm” các quý ông sau mỗi cuộc nhậu.

107.jpg

Bệnh gút không nên uống bia

Rượu gây rối loạn chuyển hóa acid uric

Không giống như bia, rượu tuy không phải là nguồn cung cấp purin dồi dào, song đây là đồ uống cần nên tránh cho quý ông bị gút. Chất cồn trong rượu làm suy giảm chức năng hoạt động của gan thận, gây mất cân bằng trong chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Theo các bác sỹ, nhóm suy giảm khả năng bài xuất acid uric ở ống thận thường do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do ăn nhiều thức ăn giàu đạm và uống nhiều rượu. Việc uống nhiều rượu, rượu mạnh không những góp phần làm tăng thêm acid uric máu mà còn làm cho acid uric dễ dàng bị lắng đọng tại các tổ chức, gây cơn gút cấp, gây sỏi thận.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Sức khỏe cộng đồng Harvard tại Boston (Mỹ) đã tìm hiểu mối liên quan giữa việc uống bia, rượu mạnh và rượu vang với nồng độ axit uric trong máu trên 14.809 người có độ tuổi thấp nhất là 20. Kết quả cho thấy nồng độ axit uric trong máu ở những người thường xuyên uống bia là lớn nhất, sau đó là những người uống nhiều rượu mạnh. Trong khi đó, các chuyên gia không nhận thấy mối liên quan giữa việc uống rượu vang và nồng độ axit uric. Kết quả này là như nhau ở cả nam và nữ, cũng như đối với mọi mức trọng lượng.

Bệnh gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa axit uric trong máu. Nồng độ axit uric trong máu càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Chính vì vậy, việc uống các đồ uống có cồn khác nhau gây nguy cơ mắc bệnh khác nhau, tiến sĩ Hyon K. Choi và Gary Curhan tại Đại học Sức khỏe cộng đồng Harvard, thành viên của nhóm nghiên cứu, khẳng định.