Đâu là những thực phẩm làm tăng axit uric luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là với ai đang mắc bệnh gút. Theo chuyên gia, axit uric là sản phẩm của quá trình phân hủy purin - hợp chất được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Do đó, việc tiêu thụ thực phẩm chứa hàm lượng purin cao có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, dẫn tới các cơn đau gút.

Axit uric máu là gì?

Axit uric là sản phẩm của quá trình chuyển hóa tự nhiên, hình thành khi cơ thể phân hủy một hợp chất gọi là purin. Thông thường, axit uric được thận đào thải ra ngoài qua quá trình bài tiết nước tiểu. Tuy nhiên, khi chức năng thận suy giảm sẽ khiến quá trình này bị gián đoạn và làm nồng độ axit uric trong máu vượt quá ngưỡng cho phép.

Lượng axit uric máu nhỏ hơn hoặc bằng 420 micromol/l với nam 360 micromol/l với nữ là chỉ số bình thường. Nếu vượt qua con số này thì có nghĩa là bạn đang bị tăng axit uric máu.

Có một số nguyên nhân khiến chỉ số axit uric trong máu tăng cao như: Do chế độ ăn thiếu lành mạnh; Bị thừa cân, béo phì; Mắc một số bệnh như: Huyết áp cao, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa; Sử dụng thuốc như: Thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc giảm đau trong thời gian dài,…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ gây bệnh gút là do cơ thể bị rối loạn chuyển hóa và chức năng thận suy giảm. Cụ thể:

- Rối loạn chuyển hóa: Khi bị rối loạn chuyển hóa, cụ thể là chuyển hóa đạm sẽ khiến cơ thể sản sinh quá nhiều axit uric. Việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu đạm như: Thịt bò, hải sản, nội tạng động vật cũng là nguyên nhân khiến chỉ số axit uric trong máu tăng cao và gây ra triệu chứng của bệnh gút.

- Chức năng thận suy giảm: Thận là cơ quan bài tiết có nhiệm vụ đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể, trong đó có axit uric. Khi chức năng thận bị suy giảm sẽ khiến axit uric không được đào thải một cách hiệu quả mà tích tụ trong máu, lâu dần hình thành các tinh thể muối urat có hình kim sắc nhọn lắng đọng tại khớp và gây ra cơn đau gút.

Những thực phẩm làm tăng axit uric máu người bị bệnh gút nên tránh xa

Chế độ dinh dưỡng hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc giảm axit uric máu, kiểm soát bệnh gút hiệu quả. Dưới đây là những thực phẩm làm tăng axit uric máu người bị bệnh gút nên tránh xa:

- Hạt hướng dương: Hạt hướng dương là đồ ăn vặt được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, hạt hướng dương là thực phẩm chứa hàm lượng purin cao. Dù không cần phải loại bỏ hạt hướng dương hoàn toàn nhưng bạn cũng đừng nên ăn quá nhiều loại hạt này để nồng độ axit uric trong máu luôn ở mức an toàn.

- Cá mòi: Cá mòi chứa hàm lượng purin rất cao và có thể gây ra cơn đau bệnh gút nếu ăn nhiều. Cứ 100g cá mòi lại có chứa 480 mg purin. Các loại cá khác như: Cá trích, cá ngừ, cá tuyết, cá thu và cá cơm cũng là thực phẩm có hàm lượng purin cao cần phải cẩn trọng khi ăn. Trong 100g các loại cá này chứa khoảng 110 đến 345 mg purin.

- Sò điệp: Sò điệp là hải sản bạn cần tránh để giảm axit uric máu. Một đĩa sò điệp có thể làm bùng phát cơn đau ở những người mắc bệnh gút. Trong 100g sò điệp có chứa 136 mg purin. Nếu bạn đang mắc gút thì nên thận trọng khi ăn thực phẩm này.

- Tôm: Tôm là hải sản được tiêu thụ nhiều và quen thuộc với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong 100g tôm có chứa 147 mg purin. Điều này có thể gây đau đớn cho người bị bệnh gút mỗi khi ăn chúng. Nếu muốn ăn tôm, bạn hãy chọn tôm nước ngọt và chế biến theo kiểu hấp, luộc thay cho chiên xào. Cách làm này sẽ có lợi hơn cho tình trạng bệnh gút mà bạn đang mắc phải.

- Nước ngọt chứa đường fructose: Người mắc bệnh gút nên tránh sử dụng các thức uống giải khát có hàm lượng đường fructose cao như nước soda hay nước giải khát trái cây đóng lon. Các chất làm ngọt sẽ kích thích cơ thể sản sinh thêm axit uric. Chính vì vậy, nếu đang mắc bệnh gút hoặc có nồng độ axit uric máu cao, bạn nên cẩn trọng với các loại nước uống này.

- Thịt bò: Thịt bò cũng là thực phẩm chứa hàm lượng purin tương đối cao. Cứ 100g thịt bò có tới 110 mg purin. Nếu tiêu thụ với số lượng lớn, thịt bò có thể gây ra cơn đau gút bất ngờ.

- Rượu, bia: Rượu, bia là một trong những “thủ phạm” lớn gây ra bệnh gút. Trong men bia có chứa hàm lượng purin cao, làm tăng sản xuất axit uric, dẫn đến bệnh gút.