Bệnh gout cấp là tình trạng viêm khớp phổ biến thường gặp ở nam giới. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh gout cấp nhưng đa số không biết rằng, việc duy trì một số thói quen xấu hàng ngày cũng dễ khiến cơn đau xuất hiện. Đó là những thói quen nào? Mời bạn tìm hiểu thông tin hữu ích trong bài viết sau.

Bệnh gout cấp là gì?

Bệnh gout cấp là giai đoạn bệnh nhân có nồng độ acid uric máu cao và đã xuất hiện cơn đau khớp. Lúc này, bạn sẽ nhận thấy cơn đau dữ dội khi gout tấn công. Tuy nhiên, chúng chưa gây biến chứng nguy hiểm, cơn đau cũng tái phát nhẹ và thưa.

Bệnh gout xảy ra khi nồng độ acid uric trong máu tăng quá cao. Thông thường, acid uric hòa tan trong máu và được thận loại ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc thận bị suy yếu, không thể bài tiết sẽ khiến acid uric tích tụ, hình thành các tinh thể urat có hình kim sắc nhọn, lắng đọng tại mô khớp và gây đau đớn.

Trước đây, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, bệnh gout chỉ gặp ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, bệnh đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Các chuyên gia nhận định, sự trẻ hóa của bệnh gout liên quan đến chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt của người trẻ tuổi.

Những thói quen xấu dễ gây bệnh gout cấp – Hãy cẩn trọng!

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh gout nhưng theo các chuyên gia, nếu thường xuyên duy trì những thói quen sau đây thì khả năng bạn có nguy cơ bị bệnh sẽ rất cao. Hãy cẩn trọng!

1. Thói quen ăn nhiều thịt

Bệnh gout thường xảy ra sau khi bạn ăn nhiều thịt hoặc các thực phẩm giàu đạm chứa hàm lượng purin cao. Khi cơ thể tích trữ quá nhiều chất sẽ hình thành lượng acid uric lớn, khi không có đủ thời gian để đào thải và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể, sẽ sinh ra các triệu chứng của bệnh gout.

2. Thói quen uống nhiều bia, rượu

Nhiều người thường có thói quen sử dụng bia, rượu mà không biết rằng, đây có thể là nguyên nhân gây bệnh gout. Các chuyên gia cho rằng, ethanol trong rượu thúc đẩy sự chuyển đổi các nucleotide adenine và làm tăng acid uric máu. Ngoài ra, quá trình oxy hóa ethanol cũng làm tăng nồng độ acid lactic trong máu, khiến tinh thể muối urat dễ kết tinh tại khớp và gây cơn đau gout. Còn bia là thức uống chứa hàm lượng purin cao nên khi vào cơ thể, chúng sẽ được phân hủy thành acid uric và khiến cơn đau gout cấp dễ xuất hiện hơn.

3. Làm việc quá sức

Hầu hết những người trẻ tuổi phải đối mặt với nhiều áp lực công việc, làm việc thêm giờ và thức khuya là một thực tế rất phổ biến. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc cơ thể thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho bệnh gout phát triển. 

4. Thói quen nhịn tiểu

Bạn nên biết rằng, acid uric sẽ được thận trực tiếp bài tiết và theo đường nước tiểu đi ra ngoài cơ thể. Nên nếu như bạn nhịn tiểu (dù vì bất cứ lý do gì) cũng sẽ khiến cho acid uric không được bài tiết ra ngoài, chúng lắng đọng trong thận, gây ra các bệnh về thận như: Viêm kẽ thận, suy thận cấp và mạn tính, sỏi thận vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, dù bận rộn tới đâu, bạn cũng cần lập tức đi tiểu ngay khi có dấu hiệu mót, để phòng ngừa bệnh gout tấn công.