Do thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh khiến bệnh gout ngày càng phổ biến. Khi bệnh gout xuất hiện, việc sử dụng thuốc giảm đau gout cấp là điều cần thiết. Vậy đâu là những loại thuốc chuyên dùng để giảm cơn đau gout cấp? Nếu đang có những băn khoăn này, mời bạn tìm hiểu thông tin trong bài viết sau.

Bệnh gout là gì?

Bệnh gout (thống phong) là tình trạng viêm khớp gây ra hiện tượng sưng đỏ và đau ở các khớp. Đặc biệt là ở khớp ngón chân, ít gặp hơn ở khớp bàn tay, cổ tay, khuỷu tay. Bệnh gout xảy ra khi chỉ số acid uric trong máu tăng cao. Thông thường, acid uric hòa tan trong máu và đi qua thận vào nước tiểu. Nhưng đôi khi, cơ thể bạn sản xuất quá nhiều acid uric hoặc thận bài tiết acid uric quá ít. Khi điều này xảy ra, acid uric có thể tích tụ bên trong cơ thể, hình thành các tinh thể sắc nhọn, tích tụ ở những mô quanh khớp gây đau, sưng và viêm.

Những yếu tố khiến chỉ số acid uric trong máu tăng cao phải kể đến như:

- Sử dụng sản phẩm giàu purin như: Thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản.

- Uống nhiều rượu, bia, nước ngọt chứa hàm lượng fructose cao.

- Sử dụng thuốc như: Thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị ung thư,… trong thời gian dài.

Các loại thuốc giảm đau gout cấp thường được sử dụng

Khi bệnh gout tấn công, người mắc sẽ nhận thấy có cơn đau đớn tới mức không thể chịu đựng được. Trong trường hợp như vậy, việc sử dụng thuốc giảm đau là cần thiết. Dưới đây là 3 loại thuốc thường được dùng để giảm cơn đau gout cấp.

1. Thuốc colchicin

Đây là loại thuốc không quá xa lạ với bệnh nhân mắc bệnh gout. Thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau trong trường hợp xuất hiện cơn đau gout cấp trong 12 giờ đầu. Để mang lại hiệu quả, liều lượng sử dụng phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ vì khi dùng quá liều sẽ có tác dụng phụ nguy hiểm cho người bệnh.

Thuốc colchicin được sử dụng trong trường hợp người bệnh có chống chỉ định sử dụng nhóm thuốc chống viêm không steroid. Thuốc được sử dụng 3 liều/ngày trong ngày đầu, tối đa là 4mg và giảm dần xuống 1 liều 1mg/ngày. Sau khi sử dụng, các triệu chứng đau sẽ kết thúc trong vòng từ 24 - 48 giờ. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ như: Buồn nôn, mệt mỏi, đau dạ dày, hại gan, thận...

2. Thuốc chống viêm không steroid

Các loại thuốc chống viêm không steroid thường thấy là: Aspirin, diclofenac, ibuprofen và naproxen. Thuốc này có tác dụng giảm đau và hạ sốt do bệnh gout gây ra. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc với liều lượng cao sẽ dẫn đến một số phản ứng phụ như: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận,…

3. Thuốc corticoid

Corticoid là nhóm thuốc kháng viêm mạnh nếu sử dụng quá nhiều sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hại cho sức khỏe như: Giảm sức đề kháng của người bệnh, dễ mắc một số bệnh nguy hiểm như: Huyết áp yếu, tiểu đường, tim mạch,… Bởi vậy, bạn cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng loại thuốc này.

Ba loại thuốc kể trên đều có tác dụng chống viêm, giảm đau và hỗ trợ điều trị các triệu chứng bệnh gout cấp, đây chỉ là giải pháp mang tính chất tạm thời chứ không có tác dụng lâu dài trị bệnh. Đặc biệt, nếu lạm dụng quá liều sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nguy hại cho sức khỏe người bệnh.