Hiện nay, tỉ lệ người bị bệnh gút ở Việt Nam ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 2 – 4% tổng số các bệnh về khớp, đứng hàng thứ 4 trong 15 bệnh khớp hay gặp. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là việc phòng ngừa, điều trị gút ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị bệnh.

 

Gút (thống phong) là kết quả của sự lắng đọng tinh thể urat ở khớp làm tăng axit uric máu trong thời gian dài. Bệnh thường xảy ra ở nam giới trung niên, người béo phì, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường hoặc có thói quen ăn uống nhiều chất đạm, nghiện rượu bia, thuốc lá, căng thẳng thần kinh,...

 

Triệu chứng thường thấy ở người mắc bệnh gút là những đợt viêm cấp tính, xuất hiện đột ngột, dữ dội, hay xảy ra vào ban đêm với biểu hiện viêm sưng các khớp xương, ngón chân cái có thể bị sưng to, phù nề, căng bóng, có thể kèm theo một số dấu hiệu toàn thân như mệt mỏi, sốt cao, khát nước,... Nếu không có chế độ dự phòng và điều trị thích hợp, những đợt viêm cấp sẽ tái diễn thường xuyên, kéo dài hơn, gây biến chứng liên quan đến tổn thương xương khớp, hủy hoại đầu xương, dẫn đến tàn phế. Không chỉ gây tổn thương tại khớp, bệnh gút còn ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể, dẫn tới một số bệnh như: tăng huyết áp, sỏi thận, suy thận, suy tim,…, thậm chí gây tử vong.

 

Hiện nay, trong điều trị gút cho bệnh nhân, bác sĩ thường gặp một số khó khăn khiến quá trình điều trị có thể kéo dài. Trước hết, bệnh gút có những biểu hiện dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khớp khác như: viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,… Những nhóm thuốc điều trị bệnh gút thường dùng như thuốc hạ axit uric máu, nhóm thuốc giảm đau chống viêm,... nhưng có thể gây tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, giảm bạch cầu trung tính, trầm trọng hơn là có thể hủy hoại tủy xương nếu dùng ở liều cao; tăng huyết áp, sỏi thận, suy thận,… Nhiều bệnh nhân gút bị dị ứng với thuốc điều trị, thậm chí một số trường hợp xảy ra sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Mặt khác, một khó khăn khá thường gặp trong quá trình điều trị gút là sự thiếu tuân thủ của người bệnh. Bệnh nhân gút thường chỉ dùng thuốc trong đợt cấp rồi bỏ thuốc hoặc không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ khiến bệnh tiến triển nặng dần. Nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục duy trì chế độ sinh hoạt không hợp lý như: ăn nhiều thực phẩm giàu purin, uống rượu bia,…, tạo điều kiện để cơn gút cấp tái phát.