Gút là một bệnh khớp vi tinh thể. Nguyên nhân là do tăng axit uric máu cao và lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp gây nên viêm, sưng, đau khớp. Ở Việt Nam, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, bệnh gút đã trở nên rất phổ biến, ở cả thành thị và nông thôn, vươn lên đứng hàng thứ tư trong 15 bệnh khớp nội khoa thường gặp nhất.

Khi một bệnh nhân mắc bệnh gút được điều trị không đúng cách hoặc không được điều trị thì bệnh sẽ để lại những biến chứng, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong. Có 4 loại biến chứng cơ bản của bệnh gút:

1. Loại biến chứng liên quan đến tổn thương xương khớp: tình trang hủy hoại khớp, đầu xương, làm bệnh nhân tàn phế. Các hạt tophi vỡ loét, khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp gây nên viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết nếu không được can thiệp xử trí kịp thời.

2. Loại biến chứng liên quan đến tổn thương thận: sỏi thận, thận ứ nước ứ mủ, suy thận, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

3. Loại biến chứng liên quan đến chẩn đoán nhầm: bệnh thường bị chẩn đoán nhầm với viêm khớp nhiễm khuẩn và được điều trị bằng rất nhiều các loại kháng sinh khác nhau, và có nguy cơ dị ứng thuốc kháng sinh, thậm chí có thể gây tử vong.

Ngoài ra, bệnh gút còn hay bị chẩn đoán nhầm với bệnh viêm khớp dạng thấp. Từ đó dẫn đến điều trị tràn lan bằng các thuốc giảm đau phổ biến trên thị trường gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng như biến chứng lao, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, tăng huyết áp…

4. Loại biến chứng tai biến do dùng thuốc: ngay cả khi chẩn đoán đúng việc điều trị gút cũng có thể gây nên tai biến.

Trước thực tế đó, điều trị bệnh gút hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Có 3 khó khăn chính khi trị bệnh gút như sau:

1. Đầu tiên là tác dụng phụ của một số thuốc chữa bệnh gút: thuốc giảm đau chống viêm gút đặc hiệu có thể gây tiêu chảy, thuốc làm hạ nồng độ axit uric có thể gây dị ứng, các thuốc tăng thải axit uric có thể gây sỏi thận.

2. Thứ hai là cơ địa dị ứng thuốc của bệnh nhân. Có bệnh nhân gút bị dị ứng với nhiều thuốc chữa bệnh gút như các thuốc giảm đau, giảm viêm, giảm nồng độ axit uric máu... Một số trường hợp xảy ra sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

3. Thứ ba là sự thiếu tuân thủ trong điều trị của người bệnh. Bệnh nhân gút thường chỉ dùng thuốc trong đợt cấp rồi bỏ thuốc, dẫn đến bệnh vẫn tiến triển nặng dần.  Một số bệnh nhân quá lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm dẫn đến tác dụng phụ đáng tiếc như xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.

Nhiều bệnh nhân không chịu thay đổi chế độ ăn uống kiêng khem, vẫn tiếp tục ăn nhậu quá mức và sinh hoạt không điều độ, do vậy bệnh vẫn có nguy cơ tái phát.

Nói chung, những người mắc bệnh gút rất hay bị dị ứng thuốc, do đó cần thận trọng khi sử dụng bất kì loại thuốc gì, kể cả thuốc Đông Y hay Tây Y. Cần sử dụng thuốc theo đơn và cần được sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa điều trị.

Trước thực tế còn nhiều khó khăn trong điều trị bệnh gút như vậy, bệnh nhân gút cần xác định tư tưởng điều trị lâu dài, tránh bỏ thuốc khi bệnh thuyên giảm. Khi đó thì mới có thể giữ bệnh khỏi tái phát trong thời gian dài. Bệnh nhân gút cần tích cực hợp tác với bác sĩ trong việc điều trị, ngăn ngừa biến chứng bệnh bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt và thuốc men. Để điều trị bệnh gút có hiệu quả, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra nồng độ axit uric máu và niệu, chức năng thận. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được chẩn đoán và điều trị các bệnh kèm theo như rối loạn chuyển hóa lipd, đái tháo đường, tăng huyết áp…

Huyền Trang