Những điều cần biết về bệnh gút :
Nếu vậy, bạn có thể bị cơn gút cấp, đặc trưng bởi cơn đau dữ dội, đột ngột, đỏ và mềm khớp.
Gút có thể điều trị được và có cách để ngăn ngừa tái phát.
Dấu hiệu và triệu chứng
Các triệu chứng của gút gần như là cấp tính, xảy ra đột ngột, thường vào ban đêm, và không được cảnh báo, bao gồm:
- Đau khớp dữ dội. Gút thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái nhưng có thể xảy ra ở bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, tay và cổ tay. Đau điển hình kéo dài 5-10 ngày rồi hết. Đau giảm dần trong 1- 2 tuần, khớp gần như trở lại bình thường, không đau.
- Viêm và đỏ. Khớp bị bệnh sẽ sưng, mềm và đỏ.
Nguyên nhân
Do nồng độ axít uric (một sản phẩm thừa hình thành từ quá trình giáng hóa purin) quá cao trong máu. Đây là các chất có tự nhiên trong cơ thể cũng như trong đồ ăn, đặc biệt là nội tạng (gan, não, thận và lá lách), cá trống, cá trích và cá thu.
Yếu tố nguy cơ
- Yếu tố lối sống. Uống quá nhiều rượu/bia (>2 cốc/ngày đối với nam và >1 cốc/ngày đối với nữ), thừa ³13kg so với cân nặng lý tưởng của bạn sẽ tăng nguy cơ bị gút.
- Các thuốc và bệnh khác. Một số bệnh (tăng huyết áp không được điều trị, các bệnh mạn tính như tiểu đường, mỡ máu và cholesterol máu cao, xơ mỡ động mạch, bệnh tật hay chấn thương nặng hoặc đột ngột, bất động do phải nằm lâu trên giường…) và thuốc (thuốc lợi tiểu thiazid, aspirin, thuốc chống thải ghép, hóa trị liệu điều trị ung thư... ) khiến bạn dễ bị gút.
- Di truyền. 1/4 số người bị gút có tiền sử gia đình bị bệnh này.
- Tuổi và giới. Gút thường xảy ra ở nam hơn là ở nữ. Nam giới cũng dễ bị gút sớm hơn (thường ở độ tuổi 30-50), trong khi phụ nữ thường có triệu chứng sau 50 tuổi.
Khi nào cần đi khám
Nếu bạn bị đau nhức đột ngột ở khớp, hãy đi khám bệnh. Gút không được điều trị có thể làm đau tăng và gây tổn thương khớp.
Đi khám bệnh ngay nếu bạn bị sốt, khớp sưng, nóng và viêm, là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Điều trị
· Với các cơn gút, thuốc kháng viêm phi steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil, Motrin...) có thể giảm đau. Nhớ rằng các thuốc này có tác dụng phụ, gồm đau, chảy máu và loét dạ dày.
· Với những trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid như prednison. Mặc dù steroid giảm đau nhanh, nhưng chúng có các tác dụng phụ nghiêm trọng, như loãng xương, lâu lành vết thương và giảm khả năng chống nhiễm trùng. Đôi khi bác sĩ tiêm cortison vào khớp bị gút, nhưng cách này vẫn có thể gây tác dụng phụ, và số lần tiêm thường hạn chế không quá 3 mũi/năm.
· Khi kiểm soát được cơn gút cấp, nên điều trị dự phòng để làm giảm tốc độ sản sinh axít uric hoặc làm tăng tốc độ bài tiết axít uric của cơ thể.
Chưa có cách nào chắn chắn để ngăn ngừa cơn gút nguyên phát hoặc tái phát, nhưng nếu bạn bị gút, có thể dùng một số thuốc như allopurinol (Zyloprim, Aloprim) và probenecid (Benemid) để giảm nguy cơ hoặc giảm mức độ nặng của các cơn gút trong tương lai.
Phòng bệnh
Tự chăm sóc
Thay đổi lối sống không thể chữa khỏi gút, nhưng các biện pháp sau sẽ làm giảm triệu chứng:
- Duy trì cân nặng lý tưởng. Giảm cân từ từ sẽ làm giảm gánh nặng lên các khớp bị ảnh hưởng. Giảm cân cũng làm giảm nồng độ axít uric. Tránh giảm cân nhanh vì có thể làm tăng tạm thời nồng độ axít uric.
- Tránh ăn quá nhiều protein từ động vật. Mặc dù thuốc làm giảm nhu cầu ăn kiêng khắt khe đối với người bị gút, nhưng một số thay đổi trong ăn uống sẽ giảm mức độ nặng của các đợt gút. Các chuyên gia khuyên ăn không quá 170g thịt nạc, thịt gia cầm hoặc cá mỗi ngày với hầu hết mọi người kể cả người bị bệnh gút. Người bị bệnh gút không nên ăn phủ tạng (gan, não, thận và lá lách), cá trống, cá trích, cá thu.
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu. Uống quá nhiều rượu có thể cản trở bài tiết axít uric, dẫn tới bệnh gút. Giới hạn lượng rượu không quá 2 cốc/ngày với nam và 1 cốc/ngày với nữ hoặc người trên 65 tuổi. Nếu bạn đang bị gút, tốt nhất là không uống rượu.
- Uống nhiều nước. Nước giúp làm loãng axít uric trong máu và nước tiểu.
Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Tuyết Ma