Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, bệnh gút ( bệnh gout - thống phong) đã được mệnh danh là “vua của các bệnh” bởi bệnh không chỉ làm ảnh hưởng tới khả năng vận động mà còn gây ra nhiều biến chứng, làm tổn thương những bộ phận khác trong cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bệnh nhân.

Theo thống kê, bệnh gút (thống phong) chiếm 1-2% dân số ở các nước phát triển và đứng thứ tư trong số 15 bệnh khớp thường gặp tại nước ta. Biểu hiện đặc trưng của gút là khởi phát đột ngột, sưng, nóng, đỏ, đau ở một số khớp (thường gặp nhất là ở ngón chân cái chiếm tỷ lệ khoảng 70%) và có thể kèm theo sốt nhẹ. Nếu không được điều trị kịp thời hoặc không đúng cách thì bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Có nhiều loại biến chứng thường gặp trong quá trình điều trị bệnh gút. Trước hết, nếu không được điều trị kịp thời, các cơn gút cấp thường xuyên tái phát gây tổn thương nhiều khớp, hạn chế vận động, lâu dần sẽ trở thành đau mạn tính, hình thành cục tophi lắng đọng tại ổ khớp và có thể khiến bệnh nhân bị tàn phế. Khi hạt tophi bị vỡ loét, vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp, gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết. Bên cạnh đó, ở bệnh nhân gút, nồng độ axit uric tăng cao là nguyên nhân dẫn tới tổn thương thành mạch máu, thận, từ đó, có thể dẫn tới tăng huyết áp, sỏi thận, nặng hơn là suy thận và gây nguy hiểm tới tính mạng. Mặt khác, gút dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh khác (viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp,…) dẫn tới điều trị sai và gây dị ứng thuốc hoặc gặp các biến chứng như: loét dạ dày tá tràng, loãng xương,… Trong trường hợp được chẩn đoán đúng, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc colchicin, thuốc allopurinol, nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid,... Tuy nhiên, những thuốc này dễ gây tác dụng phụ như: tiêu chảy, dị ứng, độc với gan, thận…