Gút là một bệnh viêm khớp phổ biến hình thành do sự tích tụ quá nhiều axit uric trong máu gây đau đớn dữ dội. Khi bị bệnh gút uống thuốc gì để kiểm soát cơn đau hiệu quả luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nếu đang có những băn khoăn này thì mời bạn cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây bệnh gút

Gút hình thành là do có quá nhiều axit uric trong máu và tích tụ tinh thể urat tại các mô của cơ thể. Các tinh thể axit uric trong khớp gây viêm khớp dẫn đến đau, đỏ, nóng và sưng. Axit uric thường được tìm thấy trong cơ thể như một sản phẩm phụ của quá trình phân hủy purin. Thông thường, axit uric được hòa tan trong máu và được thận đào thải ra ngoài thông qua quá trình bài tiết nước tiểu. Tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc thận bị suy giảm chức năng khiến quá trình đào thải axit uric không được thuận lợi, khiến chúng tích tụ trong máu, lâu dần tạo thành tinh thể muối urat hình kim lắng đọng tại khớp và gây đau đớn. 

Nguyên nhân gây ra tình trạng tăng axit uric máu bao gồm: 

- Do chế độ ăn uống thiếu hợp lý, thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu purin như: Thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật,...

- Sử dụng nhiều bia, rượu, nước ngọt có đường.

- Dùng một số loại thuốc khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao như: Thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị ung thư,…

- Mắc các bệnh liên quan tới rối loạn chuyển hóa như: Tiểu đường, béo phì,…

Những dấu hiệu của bệnh gút

Bệnh gút thường gây ra các triệu chứng như: Đau dữ dội ở khớp; Khớp thường rất nhạy cảm khi va chạm, nhiều người cảm thấy gió quạt thổi vào chân cũng đau đớn không thể chịu nổi.

Gút thường có liên quan đến các khớp ở chi dưới. Vị trí bệnh gút thường tấn công nhất là ngón chân cái. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến khớp bàn chân, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, cổ tay, bàn tay hoặc bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Khi bệnh gút nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc gọi là gút đa khớp. Điều này gây ra đau và cứng ở nhiều khớp.

Một dấu hiệu khác của bệnh gút là sự xuất hiện của hạt tophi. Tophi có thể được tìm thấy ở các vị trí khác nhau trong cơ thể, thường là trên khuỷu tay, sụn tai trên và bề mặt của các khớp khác.

Người bị bệnh gút uống thuốc gì?

Mục tiêu trước mắt trong điều trị bệnh gút là ức chế viêm, kiểm soát cơn đau và hạ axit uric trong máu để ngăn ngừa bệnh tái phát. Các loại thuốc người bị bệnh gút nên sử dụng, gồm có:

Nhóm thuốc giảm đau, điều trị cơn gút cấp

Mục tiêu trước mắt trong điều trị bệnh gút là ức chế viêm và kiểm soát cơn đau. Các loại thuốc thường được sử dụng là:

- Thuốc chống viêm không steroid NSAIDs: Các loại thuốc NSAIDs thường được sử dụng là: Ibuprofen 800mg 3 - 4 lần mỗi ngày hoặc indomethacin 25 - 50mg 4 lần mỗi ngày.

- Colchicine: Colchicine tiêm tĩnh mạch có độc tính (nghiêm trọng) và có tác dụng phụ, vì vậy chỉ nên sử dụng đường uống. Colchicine uống liều cao thường có tác dụng kém. Liều thấp được công nhận là có tác dụng tốt hơn nhiều và nên được sử dụng kết hợp cùng với NSAIDs.

- Corticosteroid: Corticosteroid là lựa chọn tiếp theo nếu người bệnh thuộc nhóm chống chỉ định với NSAIDs. Corticosteroid có thể được dùng để tiêm vào khớp bị ảnh hưởng hoặc dùng qua đường uống. Liều lượng bắt đầu khi dùng corticosteroid là 30 - 40mg mỗi ngày và kéo dài trong vòng 10 - 14 ngày.

Nhóm thuốc giảm axit uric máu

Sử dụng các loại thuốc làm giảm axit uric sẽ giảm tần suất cơn đau gút dần dần, giảm sự hình thành hạt tophi, giúp người mắc tránh được nguy cơ bị các biến chứng gây tổn thương, phá hủy khớp vĩnh viễn. Một số loại thuốc có tác dụng hạ axit uric trong máu thường được dùng là:

- Probenecid: Probenecid hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu axit uric ở thận. Probenecid có thể dẫn đến tăng kết tủa hình thành sỏi thận nên người bị gút thường được khuyến khích uống nhiều nước. Probenecid chống chỉ định đối với những bệnh nhân bị sỏi thận (bao gồm sỏi canxi và axit uric), người mắc bệnh thận niệu.

- Allopurinol: Allopurinol là một hoạt chất dễ dung nạp, tiết kiệm về mặt chi phí, thường được dùng để giảm axit uric. Allopurinol có thể dùng liều thấp khi bắt đầu sử dụng. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần theo dõi các xét nghiệm gan, công thức máu và chức năng thận để đảm bảo thuốc không gây tác dụng phụ cho cơ thể.

- Febuxostat: Febuxostat là một hoạt chất ức chế xanthine oxidase thường dùng để giảm axit uric trong máu. Tuy nhiên, người ta nhận thấy chất này có khả năng gây ra những bất thường trong xét nghiệm chức năng gan. 

- Pegloticase: Pegloticase thường được tiêm qua đường tĩnh mạch. Bệnh nhân nên được điều trị dự phòng trong trường hợp có phản ứng dị ứng với steroid, thuốc kháng histamin, đồng thời được theo dõi chặt chẽ sự tiến triển của phản ứng truyền dịch.