Người bị bệnh gút nên ăn gì để giảm axit uric trong máu là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo chuyên gia, chế độ ăn uống có vai trò vô cùng quan trọng với người bị bệnh gút. Vậy người mắc bệnh gút nên ăn gì để giảm axit uric máu? Mời bạn tìm hiểu thông tin hữu ích ở trong bài viết sau.
Bệnh gút là gì?
Gút là một tình trạng viêm khớp phổ biến có thể xảy ra với bất kỳ ai. Chúng xuất hiện khi tích tụ quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric là sản phẩm của quá trình chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi tế bào chết đi, nhân của nó bị phá hủy và chuyển hóa thành axit uric.
Axit uric được đào thải 80% qua đường niệu, 20% qua đường tiêu hóa và da. Trong quá trình chuyển hóa, khi nguồn tạo thành axit uric nhiều nhưng thải ra ít sẽ làm cho chúng bị giữ lại trong máu, kết tinh thành những tinh thể muối urat có hình kim sắc nhọn ở khớp và gây ra triệu chứng của bệnh gút.
Thông thường, axit uric hòa tan trong máu và được thận loại ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc thận bị suy yếu, không thể bài tiết được sẽ khiến chúng tích tụ, hình thành các tinh thể muối urat sắc nhọn, lắng đọng tại mô khớp và gây đau đớn. Khi lượng axit uric máu cao trên 70 mg/l (420μmol/l) với nam và trên 60 mg/l (360μmol/l) với nữ thì chứng tỏ bạn đang bị tăng axit uric máu.
Acid uric máu cao gây bệnh gút
Người bị bệnh gút nên ăn gì để giảm axit uric máu?
Với người bị bệnh gút, việc ăn gì để giảm axit uric trong máu luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Dưới đây là những thực phẩm người bị bệnh gút nên ăn để giảm chỉ số axit uric trong máu:
- Rau cải xanh: Đây là loại rau giàu vitamin C, muối kali và hầu như không chứa purin. Rau cải xanh còn có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu nên rất tốt với người đang mắc bệnh gút có chỉ số axit uric trong máu cao.
- Súp lơ: Đây là một trong những loại rau rất giàu vitamin C và chứa ít nhân purin (mỗi 100g chỉ có dưới 75 mg). Hơn nữa, theo y học cổ truyền, súp lơ có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu nên rất tốt cho người đang bị bệnh gút.
- Ổi: Hàm lượng vitamin C, kali có trong ổi còn rất tốt cho người bị gút. Đây là loại trái cây rất phổ biến và có thể sử dụng hàng ngày để làm giảm nồng độ axit uric trong máu đồng thời giúp đánh tan những tinh thể muối kết tinh ở các mô, khớp.
- Quả anh đào: Được biết đến là loại trái cây rất giàu vitamin C và đặc biệt cherry còn chứa 1 loại chất chống viêm là anthocanis, hỗ trợ giảm nồng độ axit uric trong máu và ngăn chặn acid uric kết tinh lắng đọng tại các khớp. Người bị bệnh gút nên ăn 200 gram quả anh đào mỗi ngày hoặc có thể uống 1-2 ly nước ép để giảm axit uric trong máu.
- Nho: Loại quả này có tính bình, vị ngọt, có công dụng bổ khí huyết và lợi tiểu. Sách Bách Thảo Kính cho rằng, nho có tác dụng “trị gân cốt thấp thống, lợi niệu rất tốt”. Đây cũng là loại quả kiềm tính, nhiều nước, giàu sinh tố và hầu như không có nhân purin. Người có mắc bệnh gout nên ăn nho thường xuyên để nâng cao tính kiềm trong cơ thể và đào thảo acid uric ra ngoài. Nhiều người còn sử dụng nho tươi nấu cháo với gạo để giảm các cơn đau dữ dội của gout cấp tính.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Yến mạch, gạo lứt, lúa mạch, hạt kê, vừng đen,... làm giảm cholesterol và axit uric trong máu, đồng thời tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Ăn nhiều rau xanh có lợi cho người bị gút
Người bị bệnh gút không nên ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm tốt cho sức khỏe như trên, người mắc gút cũng cần tránh một số thực phẩm khiến chỉ số axit uric trong máu tăng cao. Các nhà khoa học đã chỉ ra, cơ thể sản xuất axit uric khi phân hủy purin. Do đó, bạn cần tránh những thực phẩm chứa hàm lượng purin cao như:
- Hải sản: Cá cơm, cá mòi, cá trích, cá tuyết, sò điệp, cá hồi là những thực phẩm có hàm lượng purin rất dồi dào. Với người khỏe mạnh, những thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh gút, có chỉ số axit uric trong máu tăng cao thì nên hạn chế sử dụng những thực phẩm này bởi chúng sẽ khiến cơn đau gút dễ tái phát hơn.
- Thịt đỏ: Những loại thịt có màu đỏ như: Thịt xông khói, thịt bê, thịt bò,… đều có hàm lượng purin từ 100 - 150mg trong 100g thực phẩm. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người bị tăng axit uric trong máu nên hạn chế những thực phẩm này để kiểm soát bệnh gút tốt hơn.
- Các loại đồ uống có cồn: Nghiên cứu thực tiễn đã chỉ ra rằng, nếu mỗi tuần bạn có thói quen uống từ 2 - 4 cốc bia thì nguy cơ mắc bệnh gút sẽ tăng lên 25% so với những người không dùng loại đồ uống này. Nguy cơ này cũng xảy ra tương tự ở những người thường xuyên sử dụng rượu hoặc nước uống có cồn khác.
- Các loại thức ăn chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng cholesterol và chất bảo quản khá cao, chúng làm tăng nguy cơ lắng đọng muối urat trong máu, khiến chỉ số axit uric trong máu tăng cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
- Đồ uống có ga hoặc nước trái cây công nghiệp: Những người bị gút không nên uống nước ngọt có ga và nước trái cây đóng chai công nghiệp. Những loại đồ uống này chứa nhiều chất làm ngọt nhân tạo, khi vào cơ thể chúng sẽ làm tăng axit uric máu.