Gút là tình trạng khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Bệnh gây ra nhiều đau đớn và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Nhiều người luôn thắc mắc là khi bị bệnh gút có được ăn sô-cô-la không? Hãy dành 3 phút đọc bài viết dưới đây để có cho mình câu trả lời chính xác nhất nhé!

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút hay còn gọi thống phong, là bệnh do rối loạn chuyển hóa axit uric. Axit uric thường vô hại, được hình thành trong cơ thể, sau đó đào thải qua nước tiểu và phân. Với người bị bệnh gút, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, chúng sẽ kết tinh thành những tinh thể hình kim, lắng đọng tại khớp và gây viêm, sưng, đau cho người bệnh.

Bệnh gút đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, người bệnh thường bị đau đớn đột ngột giữa đêm. Bệnh dễ gây đau tại khớp ở ngón chân cái, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn tại khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay). Đôi khi, cả khớp cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.

33.jpg

Bệnh gút gây đau khớp

Nguyên nhân gây bệnh gút

Nguyên nhân trực tiếp gây ra cơn đau gút là sự gia tăng quá mức của nồng độ axit uric trong máu. Có rất nhiều yếu tố khiến nồng độ axit uric máu tăng cao như:

- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Chế độ ăn uống ít chất xơ, thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu đạm và purin như: Hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật, có thể làm tăng hàm lượng axit uric trong máu, dần dần sẽ hình thành tinh thể muối urat bao quanh các khớp, gây ra những cơn gút cấp. 

- Béo phì: Theo các nhà khoa học, những trường hợp béo phì có nguy cơ mắc bệnh gút cao gấp 5 lần so với người bình thường. Nguyên nhân là do họ thường xuyên dung nạp các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đạm,… làm tăng nồng độ axit uric trong máu.

- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc lợi tiểu, thuốc chống bệnh lao,… làm ảnh hưởng tới chức năng của thận, giảm khả năng đào thải axit uric ra khỏi cơ thể và dễ gây bệnh gút.

- Mắc bệnh lý chuyển hóa: Những người mắc một số bệnh lý như: Rối loạn lipid máu, tăng glucose máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp,… cũng dễ bị tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn tới bệnh gút.

- Do chế độ sinh hoạt không khoa học: Những người thường xuyên thức khuya, ăn uống không điều độ, lười vận động dễ bị rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, tạo điều kiện để bệnh gút phát triển.

Người bị bệnh gút có nên ăn sô-cô-la không?

Theo các chuyên gia, sô-cô-la nguyên chất, không chứa thêm đường và chất ngọt có thể mang lại một số lợi ích cho người bị bệnh gút.

- Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, sô-cô-la có thể làm giảm sự kết tinh axit uric. Đây được xem là chìa khóa để kiểm soát bệnh gút hiệu quả.

- Sô-cô-la chứa polyphenol liên quan đến các hoạt động chống oxy hóa và chống viêm. Giảm viêm là rất hữu ích trong thời điểm cơn đau gút xuất hiện.

- Theo một Phân tích năm 2007, các chất chống oxy hóa trong sô-cô-la có thể hạ huyết áp. Huyết áp cao có thể là một yếu tố nguy cơ cho bệnh gút. 

76.jpg

Nên uống nhiều nước khi bị gút

- Chất chống oxy hóa cũng có thể giúp cải thiện chức năng thận và giảm tổn thương thận. Sức khỏe của thận rất cần thiết trong việc loại bỏ axit uric và ngăn ngừa các cơn gút tái phát. Hiện tại, không có bằng chứng trực tiếp về chất chống oxy hóa của sô-cô-la trong hỗ trợ chức năng thận, vì vậy các nhà khoa học sẽ cần phải có thêm nhiều nghiên cứu chứng minh.

- Theo đánh giá năm 2017, sô-cô-la chứa bromine có thể ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của chúng ta. Tâm trạng thoải mái có thể giúp bạn xử lý tốt hơn cơn đau gút.

Như vậy, người bị bệnh gút hoàn toàn có thể sử dụng sô-cô-la. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng sô-cô-la nguyên chất, không chứa quá nhiều đường. Nên tránh các loại sô-cô-la sữa vì chúng thường chứa hàm lượng đường fructose cao. Điều này có thể làm tăng nồng độ axit uric máu và khiến nguy cơ bệnh gút tái phát cao hơn.

Cách phòng ngừa bệnh gút tái phát hiệu quả

Để giảm axit uric máu, phòng ngừa cơn đau gút và hạn chế việc phải sử dụng thuốc tây, người bị bệnh gút cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống và chế độ dinh dưỡng như sau:

- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp cơ thể đào thải axit uric ra ngoài được tốt hơn. 

- Không uống rượu, bia: Nghiên cứu cho thấy, bia có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh gút, đặc biệt là ở nam giới. Rượu cũng khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

- Sử dụng sữa ít béo: Các sản phẩm sữa ít béo có tác dụng bảo vệ cơ thể, phòng ngừa bệnh gút, vì vậy đây là những nguồn protein lành mạnh dành cho bạn.

- Hạn chế ăn thịt, cá và gia cầm: Một lượng nhỏ những thực phẩm này là có thể chấp nhận được với người bị bệnh gút. Theo các chuyên gia, người bị bệnh gút không nên ăn quá 150gr thịt, cá mỗi ngày.

- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức bình thường: Với người bị béo phì, việc giảm cân có thể làm giảm nồng độ axit uric trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn không nên nhịn ăn hoặc giảm cân quá nhanh vì điều này có thể gây ra những tác dụng ngược.