Khi bị bệnh gút ăn được hoa quả gì và cần hạn chế những thực phẩm nào luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo chuyên gia, chế độ dinh dưỡng hàng ngày có vai trò vô cùng quan trọng với người mắc bệnh gút. Việc sử dụng các loại hoa quả có lợi sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.
Nguyên nhân gây bệnh gút
Gút là một dạng viêm cấp tính xảy ra ở khớp và gân xung quanh ngón chân, tay… Trong giai đoạn đầu, bệnh chỉ ảnh hưởng đến một khớp và thường là khớp ngón chân cái. Bệnh gút là kết quả của tăng axit uric máu. Axit uric là sản phẩm của quá trình phân hủy một hợp chất gọi là purin. Axit uric trong máu được xem là cao khi lớn hơn 420 micromol/lít với nam và 360 micromol/lít với nữ.
Bệnh gút hình thành do tinh thể axit uric lắng đọng tại khớp
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ là nguyên nhân gây bệnh gút như:
- Chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh, tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm như: Thịt đỏ, nội tạng động vật, rượu, bia,…
- Bệnh gút cũng có thể phổ biến hơn sau phẫu thuật, chấn thương và mất nước.
- Nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh gút hơn phụ nữ. Hầu hết nam giới được chẩn đoán mắc gút từ 30 - 50 tuổi. Ở phụ nữ, bệnh thường phổ biến sau thời kỳ mãn kinh.
- Những đối tượng có người thân trong gia đình bị gút cũng tiềm ẩn khả năng mắc phải căn bệnh này cao hơn.
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị huyết áp cao cũng làm tăng mức axit uric trong máu và tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
Người bị bệnh gút ăn được hoa quả gì?
Nếu đang băn khoăn vì không biết khi bị bệnh gút ăn được hoa quả gì thì bạn có thể bắt đầu với các loại trái cây dưới đây:
- Quả anh đào: Một vài nghiên cứu cho thấy, những đối tượng uống một muỗng nước ép anh đào cô đặc hai lần một ngày trong ít nhất bốn tháng đã giảm hơn 50% cơn đau gút tái phát. Theo các chuyên gia, quả anh đào có thể làm giảm axit uric nhanh và hiệu quả nên rất hữu ích với người đang bị bệnh gút.
Quả anh đào tốt cho người bị gút
- Quả dứa: Trong dứa chứa bromelain - Đây là một hợp chất có tác dụng làm giảm viêm. Bromelain có khả năng phân hủy tinh thể axit uric, từ đó giúp phòng ngừa cơn đau gút tái phát hiệu quả.
- Dâu tây: Dâu tây chứa chất quercetin giúp giảm sưng, viêm khớp do gút hiệu quả. Chính vì vậy, nếu đang băn khoăn bị bệnh gút ăn được hoa quả gì thì bạn không nên bỏ qua dâu tây.
- Dưa hấu: Theo đông y, dưa hấu vị ngọt, tính hàn, có tác dụng làm thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu nên giúp giảm axit uric trong máu. Bên cạnh đó, trong thành phần của dưa hấu còn chứa nhiều muối kali, nước và hầu như không có purin nên rất tốt cho người bị gút.
Người bị gút nên ăn dưa hấu
- Chuối: Chuối là loại quả giàu kali có tác dụng chuyển đổi axit uric thành dạng lỏng để được thận loại khỏi cơ thể một cách dễ dàng hơn. Chuối cũng chứa hàm lượng vitamin C cao nên rất hữu ích trong việc giảm axit uric, phòng ngừa cơn đau gút tái phát.
- Quả kiwi: Hàm lượng vitamin C và khoáng chất mà cơ thể chúng ta cần hàng ngày đều được tìm thấy trong quả kiwi. Vì vậy, không chỉ có lợi cho người bệnh gút mà loại trái cây này còn mang đến nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe tổng thể nói chung.
Người bị gút nên hạn chế ăn thực phẩm nào?
Như đã biết, purin chính là “thủ phạm” khiến chỉ số axit uric trong máu tăng cao và gây ra cơn đau gút. Vì vậy, để kiểm soát bệnh, bạn nên tránh ăn những thực phẩm giàu purin. Bạn cũng nên tránh thực phẩm có hàm lượng fructose cao. Dưới đây là một số thực phẩm chứa hàm lượng purin cao mà bạn nên tránh sử dụng:
- Nội tạng động vật như: Gan, thận, não, tim…
- Các loại thịt đỏ như: Thịt bò, thịt bê, thịt dê…
Người bị gút nên hạn chế ăn thịt đỏ
- Cá trích, cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá cơm, cá tuyết…
- Hải sản như: Sò điệp, cua, tôm...
- Đồ uống có đường, đặc biệt là nước ngọt có gas, nước đóng chai chứa fructose...
Ngoài ra, bạn nên tránh các loại thức ăn bột tinh chế cho người ăn kiêng như: Bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy. Mặc dù những thực phẩm này không nhiều purin hoặc fructose, nhưng chúng có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và có thể làm tăng nồng độ axit uric.