Người bị bệnh gout ăn được thịt gì để cơn đau không tái phát là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người bởi thịt vẫn được xem là thực phẩm “có hại” cho những ai đang mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn một số loại thịt người bị gout có thể ăn mà không khiến bệnh tái phát. Đó là những loại thịt gì? Mời bạn tìm hiểu thông tin trong bài viết sau.
Bệnh gout là gì? Nguyên nhân gây bệnh do đâu?
Gout là tình trạng viêm khớp phổ biến gây ra cơn đau dữ dội tại khớp, điển hình nhất là khớp ngón chân cái. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây đau tại các vị trí khác như: Ngón tay, bàn tay, bàn chân, đầu gối,… Ở giai đoạn mạn tính, người bị bệnh gout có thể thấy bị đau tại nhiều vị trí cùng một lúc. Tình trạng này được gọi là đau gout đa khớp.
Nguyên nhân trực tiếp hình thành cơn đau gout là do chỉ số acid uric trong máu tăng cao quá mức cho phép (lớn hơn 420 micromol/lít với nam và 360 micromol/lít với nữ). Thông thường, acid uric hòa tan trong máu và được thận loại ra khỏi cơ thể qua quá trình bài tiết nước tiểu. Tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá nhiều acid uric hoặc thận bị suy yếu, không thể bài tiết được sẽ khiến chúng tích tụ, hình thành các tinh thể muối urat sắc nhọn, lắng đọng tại mô khớp và gây đau đớn. Những yếu tố khiến chỉ số acid uric trong máu tăng cao phải kể tới như:
- Sử dụng sản phẩm giàu purin: Purin là hợp chất mà khi vào cơ thể, chúng sẽ phân hủy thành acid uric. Các thực phẩm giàu purin bao gồm: Thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản. Một số loại rau cũng có thể làm tăng acid uric, chẳng hạn như: Đậu Hà Lan, đậu lăng, rau bina, măng tây, súp lơ và nấm.
- Sử dụng rượu, bia: Rượu khi vào cơ thể sẽ làm hạn chế quá trình đào thải acid uric. Còn bia thì giàu purin, có thể làm tăng nồng độ acid uric máu một cách nhanh chóng.
- Sử dụng thuốc: Dùng các loại thuốc như: Thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị ung thư,… trong thời gian dài sẽ khiến nồng độ acid uric trong máu tăng cao.
- Uống nhiều nước ngọt: Nước ngọt đóng chai thường chứa hàm lượng fructose cao. Đường fructose kích thích cơ thể sản xuất nhiều acid uric hơn.
Người bị bệnh gout ăn được thịt gì?
Như bạn đã biết, chế độ ăn uống có vai trò quan trọng giúp phòng ngừa bệnh gout tái phát. Cũng bởi vậy mà thắc mắc: Người bị bệnh gout ăn được thịt gì luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người. Dưới đây là những loại thịt bạn có thể ăn:
- Thịt lợn (heo): Thịt lợn là thực phẩm phổ biến, được sử dụng hằng ngày và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Theo chuyên gia dinh dưỡng, trong 100g thịt lợn có chứa đến 150mg – 200mg purin. Người bị gout có thể sẽ nhận thấy cơn đau khớp nếu ăn quá nhiều thịt lợn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn thịt lợn ở mức cho phép. Các chuyên gia khuyến cáo, người bị gout chỉ nên ăn 2 – 3 bữa thịt lợn 1 tuần.
- Thịt gà: Thịt gà chứa nhiều protein cũng như các khoáng chất, vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, trong thịt gà còn chứa photpho giúp tăng cường hệ bài tiết rất tốt. Vì vậy, người bị gout có thể ăn được thịt gà. Tuy nhiên, trong thịt gà cũng chứa hàm lượng purin cao, nhất là ở phần đùi. Để sử dụng thịt gà, bạn nên ăn phần lườn sẽ tốt hơn và hạn chế ăn gà chiên, rán.
- Cá nước ngọt: Người bị gout có thể ăn cá nhưng nên nhớ không nên sử dụng cá biển mà cần ưu tiên dùng cá nước ngọt. Những loại cá mà người bệnh gout có thể ăn được là: Cá quả, cá trắm cỏ, cá rô, cá chép… Mặc dù ăn được cá nước ngọt nhưng người bệnh gout vẫn phải chú ý sử dụng với lượng vừa phải và chỉ nên ăn 2 - 3 bữa/tuần.
Người bị bệnh gout không ăn được thịt gì?
Các thức ăn từ cơ quan nội tạng như: Gan, thận, não, lòng hay những loại thịt đỏ, bia, hải sản, cá trích, cái thu, sò, tôm, cua, ghẹ… chứa hàm lượng purin rất cao. Chính vì vậy, người bệnh gout chỉ ăn với một lượng nhỏ cũng gây ra cơn gout cấp ngay sau bữa ăn. Sau đây là những loại thịt người bị bệnh gout nên hạn chế sử dụng:
- Thịt bò: Là một thực phẩm phổ biến được nhiều người yêu thích. Trong thịt bò có chứa 30% protein còn lại là các khoáng chất như kẽm, vitamin, photpho, sắt và một số hợp chất khác. Thịt bò là thực phẩm bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, người bị bệnh gout ăn thịt bò cần hạn chế ở mức thấp nhất bởi trong thịt bò có chứa hàm lượng purin cao.
- Thịt dê: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt dê chứa hàm lượng purin cao nên khi vào cơ thể sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu và gây cơn đau gút. Vì vậy, nếu đang mắc bệnh gút, bạn cần hạn chế sử dụng thịt dê để phòng ngừa bệnh tái phát.
- Thịt mèo: Theo khuyến cáo của chuyên gia, so với thịt bò và thịt chó, thịt mèo có hàm lượng cao hơn rất nhiều. Nếu sử dụng thịt mèo, bạn sẽ dễ bị cơn đau gout cấp tấn công với mức độ nặng nề hơn.