Gút là bệnh lý rối loạn chuyển hóa nhân purin, gây tăng cao nồng dộ acid uric trong cơ thể và dẫn đến tình trạng viêm khớp. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này xuất phát từ việc ăn uống không hợp lý. Do đó, bạn có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng như là một chiến lược để chung sống hòa bình với bệnh gút.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý dành cho người bệnh gút
Đối với những người mắc bệnh gút ở giai đoạn đầu, chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan, thận và chưa mắc các bệnh nội tại thì hầu hết họ đều khỏe mạnh. Lúc này, có hai vấn đề chính cần quan tâm là các cơn đau cấp và tình trạng tăng acid uric máu. Tuy không phải trường hợp nào bị tăng acid uric máu đều dẫn đến bệnh gút, nhưng những người bệnh gút thì chắc chắn cơ thể họ đang có nồng độ acid uric máu cao. Vậy nên, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề trên nhờ vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày, và mục tiêu đáng lưu ý nhất chính là giảm tối đa lượng purin từ nguồn thức ăn hằng ngày để ngăn chặn sự tái phát các cơn đau. Tùy theo cơ địa mỗi người mà khả năng hấp thụ cũng như đào thải acid uric sẽ khác nhau. Đồng thời, mỗi người lại có khẩu vị khác biệt do đó chiến lược dinh dưỡng vẫn là phải tự xây dựng thực đơn riêng cho mình.
Nguyên tắc để xây dựng một thực đơn hợp lý cho người bệnh gút là cần tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm giàu đạm purin và tăng cường các thực phẩm giúp đào thải acid uric. Sau đây là nhóm các loại thực phẩm mà người bệnh gút cần phải hiểu rõ trước khi muốn xây dựng thực đơn cho mình:
Hạn chế thực phẩm giàu đạm purin
Bạn cần tránh xa nhóm thực phẩm trên 150mg% purin (trong 100g thực phẩm có chứa 150mg purin) như: các loại hải sản, nội tạng động vật, một số loại thịt đỏ,… và phải hạn chế ăn với nhóm chứa 50mg% purin đó là thịt lợn, trứng, sữa ít béo,… Lưu ý: bạn chỉ nên cung cấp khoảng 10% protein trong tổng giá trị dinh dưỡng của bữa ăn hằng ngày.
Hạn chế thực phẩm giàu chất béo
Chất béo đóng một vai trò vô cùng quan trọng vì chúng cung cấp nguồn năng lượng cho cấu tạo tế bào và các hoạt động sống khác cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng chất béo cần thiết chỉ nên chiếm khoảng 15-20% tổng giá trị dinh dưỡng của bữa ăn, vì nếu dùng quá mức sẽ góp phần làm tăng trọng lượng cơ thể, từ đó làm gia tăng các cơn đau gút. Bạn nên chọn các loại dầu như dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng để thay thế cho mỡ thì sẽ góp phần hạn chế sự tiến triển của bệnh gút.
Tăng cường nhóm thực phẩm carbohydrat
Carbohydrat là nhóm chiếm tỉ trọng cao nhất trong chế độ ăn của người bệnh gút (khoảng 70% tổng giá trị của bữa ăn). Nhóm chất này có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây và các loại hạt. Ngoài ra, chất xơ trong các thực phẩm cũng là một loại carbohydrat rất có lợi cho người bệnh gút vì chúng giúp hạn chế sự hấp thu protein tại ruột và giảm quá trình chuyển hóa protein thành acid uric, giảm lượng cholesterol máu và giúp ổn định đường huyết.
Bạn có thể chọn bất kỳ loại thực phẩm giàu carbonhydrat như: cơm, phở, bún, mì, khoai, sắn, ngô… và dùng thoải mái các rau quả, trừ các loại như nấm, giá đỗ, măng tây…
Tăng cường uống nước và hạn chế rượu bia
Những người bệnh gút không nên uống bia rượu mà thay vào đó nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước khoáng bicarbonate. Vì lượng cồn trong rượu bia gây cản trở sự đào thải lượng acid uric ở thận khiến tình trạng bệnh gút càng thêm trầm trọng.
Văn Cơ