Chế độ dinh dưỡng hàng ngày có mối quan hệ mật thiết tới tình trạng bệnh gút. Bên cạnh những thực phẩm không nên dùng cho người bị bệnh gút còn có nhiều loại nước uống cũng khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn. Bài viết dưới đây xin đưa ra 5 loại nước không tốt cho người mắc bệnh gút bạn cần cẩn trọng khi sử dụng. Mời bạn cùng theo dõi!
Bệnh gút là gì? Nguyên nhân hình thành do đâu
Gút là tình trạng viêm khớp điển hình với cơn đau dữ dội tại khớp. Ngón chân cái là vị trí gút dễ tấn công nhất. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác trong cơ thể. Bệnh gút không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gút là do nồng độ axit uric trong máu tăng cao quá mức. Thông thường axit uric được hòa tan trong máu và được thận đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi cơ thể thải trừ chậm hoặc sản xuất nhanh quá mức cũng khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao, lâu dần kết tinh thành những tinh thể hình kim sắc nhọn, lắng đọng tại khớp và gây cơn đau gút.
Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến tình trạng tăng axit uric máu và gây cơn đau gút bao gồm:
- Thừa cân, béo phì.
- Uống nhiều rượu.
- Có người thân trong gia đình mắc bệnh gút.
- Ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật sẽ khiến nồng độ axit uric máu tăng cao và gây ra bệnh gút.
- Sử dụng một số loại thuốc, ví dụ: Thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, thuốc điều trị ung thư.
- Mắc bệnh thận lâu ngày hoặc thận yếu…
5 loại nước làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút - Hãy cẩn trọng!
Đối với người bị bệnh gút, điều quan trọng nhất trong mục tiêu điều trị là kiểm soát nồng độ axit uric trong máu ở giới hạn cho phép. Tuy nhiên, việc sử dụng một số loại nước uống dưới đây có thể khiến nồng độ axit uric máu tăng cao.
1. Rượu
Thành phần chính của rượu bia là ethanol (tên thường gọi là cồn). Khi vào trong cơ thể, ethanol sẽ chuyển hóa và sản xuất ra nhiều chất độc hại có gốc axit, trong đó có axit axetic. Axit này sẽ cạnh tranh đào thải với axit uric, từ đó làm nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Khi axit uric tăng quá mức sẽ dẫn đến các triệu chứng của bệnh gút.
Uống nhiều rượu cũng khiến thận phải tăng cường hoạt động để thực hiện chức năng lọc bỏ độc tố khỏi cơ thể. Dần dần, sẽ khiến chức năng thận bị suy giảm, kéo theo việc đào thải axit uric sẽ kém hơn và gây cơn đau gút.
2. Bia
Bia được biết đến là loại đồ uống giàu purin. Khi vào cơ thể, chúng sẽ được chuyển hóa và sinh ra axit uric. Đây là lý do giải thích tại sao nhiều người nhận thấy cơn đau gút tái phát sau khi uống nhiều bia.
3. Đồ uống có đường
Một số nghiên cứu đã cho thấy, nguy cơ mắc bệnh gút tăng lên khi người bệnh sử dụng đồ uống có đường. Nguyên nhân bởi trong nước ngọt có chứa fructose - một chất có thể làm gia tăng axit uric trong máu. Đặc biệt, nếu bạn tiêu thụ 5 - 6 lon nước ngọt có đường mỗi tuần, nguy cơ mắc bệnh gút của bạn sẽ càng tăng cao hơn.
4. Cà phê
Việc sử dụng cà phê là tốt hay xấu với người bị bệnh gút vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy, việc tăng lượng cà phê sử dụng có thể gây ra cơn đau do gút. Vì vậy, để an toàn thì bạn vẫn nên loại bỏ đồ uống này ra khỏi chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
5. Nước tăng lực
Hầu hết các loại nước tăng lực đều chứa nhiều đường, do đó sẽ làm tăng axit uric máu và gây ra cơn đau gút. Vì vậy, bạn hãy hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng nước tăng lực để không gây hại cho sức khỏe.
Những đồ uống tốt cho người bị gút
Bên cạnh những loại nước uống cần hạn chế như trên, người mắc bệnh gút có thể sử dụng một số loại nước uống dưới đây để kiểm soát bệnh tốt hơn:
- Nước lọc: Nước có tác dụng thanh lọc cơ thể và giúp thận làm việc hiệu quả hơn để loại bỏ axit uric hiệu quả. Bạn nên bổ sung đủ 2 lít nước mỗi ngày để phòng ngừa bệnh gút tốt hơn.
- Nước ép dưa hấu: Công dụng chính của dưa hấu là thanh nhiệt, lợi tiểu nên giúp giảm axit uric máu tốt hơn. Vì vậy, nước ép dưa hấu sẽ là một trong những lựa chọn thông minh dành cho bạn.
- Nước ép dứa: Nước ép dứa có chứa bromelain và là một chất giảm đau tự nhiên nên bạn có thể sử dụng thức uống này để bổ sung vitamin cho cơ thể và kiểm soát bệnh gút tốt hơn.
- Nước ép quả anh đào: Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, quả anh đào giúp giảm nồng độ axit uric trong máu rất hiệu quả. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Boston (Mỹ), người bệnh nên uống nước ép quả anh đào 2 lần/ngày để ngăn chặn cơn đau tái phát và giảm viêm khớp.