Có không ít người vẫn luôn nhầm tưởng rằng, bệnh gút chỉ tái phát vào mùa đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế thì mùa hè cũng là thời điểm mà bệnh gút rất dễ bùng phát nặng nề. Tại sao lại như vậy? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây nhé!
Tại sao mùa hè vẫn bị gút tấn công?
Mùa hè có rất nhiều các hoạt động vui chơi ngoài trời như: Tập thể dục, nấu ăn, đi du lịch,… Mùa hè là mùa yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, với những người đang mắc tiền sử bệnh gút hoặc có nguy cơ bị bệnh thì mùa hè quả thực không đáng mong đợi.
Như bạn đã biết, bệnh gút khởi phát là do nồng độ axit uric trong máu cao, sau đó lắng đọng trên bề mặt khớp. Ở những điều kiện nhất định, điều này có thể gây ra viêm khớp và đau cơn gút cấp dữ dội. Các cơn gút cấp tính có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, một trong số đó là sự gia tăng đột ngột nồng độ axit uric trong huyết thanh. Điều này có thể gây cản trở cho bất kỳ kế hoạch vui chơi hay tập luyện nào đó của bạn trong mùa hè.
Bệnh gút dễ tấn công vào mùa hè chủ yếu vì những nguyên nhân sau:
- Mất nước: Mất nước có lẽ là một trong những thủ phạm lớn nhất mà gút có thể tấn công bạn vào mùa hè. Mất nước có thể làm tăng nồng độ axit uric nhanh chóng. Nước là một tác nhân quan trọng giúp pha loãng lượng axit uric trong cơ thể. Axit uric sẽ được đào thải qua nước tiểu, do đó uống nước sẽ làm cho axit uric được đào thải qua thận dễ dàng hơn. Nhờ đó, axit uric trong máu sẽ giảm và hạn chế được các cơn gút cấp tái phát.
Thông thường, người bệnh được khuyên nên uống 8 -12 ly nước mỗi ngày (khoảng 1,5 – 2 lít nước). Tuy nhiên, bệnh nhân gút cũng nên lưu ý không nên uống quá nhiều nước bởi nó sẽ gây ra áp lực cho thận.
- Uống nhiều bia rượu: Mùa hè được coi là thời điểm “lên ngôi” của các loại bia, rượu. Bia chính là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm tăng khả năng bệnh gút khởi phát hoặc tái phát.
Nguyên nhân là do trong bia có chứa hàm lượng purin cao, khi vào cơ thể có khả năng làm giảm đào thải axit uric qua đường tiểu. Lượng axit uric không được đào thải sẽ kết tinh và lắng đọng trong cơ thể, mà điển hình là tại các khớp, gây đau đớn và hình thành viêm khớp cấp và mạn tính. Chính vì vậy, trong mùa hè, dù có thèm tới mấy, người bệnh gút cũng nên giữ mình và không nên tiêu thụ quá nhiều rượu bia.
- Tập thể dục quá sức: Mùa hè là thời điểm nhiều người có thói quen vận động, tập luyện thể thao. Không thể phủ nhận những lợi ích của tập luyện cho sức khỏe tổng thể cũng như bệnh gút. Tuy nhiên, tập luyện quá sức lại là nguyên nhân khiến cơn gút cấp dễ tái phát.
- Giảm nhiệt độ đột ngột: Giảm nhiệt độ đột ngột cũng có thể gây ra tinh thể axit uric để thúc đẩy một cuộc tấn công cơn đau gút cấp tính. Bạn sẽ nghĩ rằng, đây không phải là một vấn đề mùa hè. Tuy nhiên, việc bạn ngủ cùng điều hòa trong mùa hè, đặc biệt là khi để gió của điều hòa thổi trên bàn chân cả đêm, được coi là nguyên nhân chính khiến các ngón chân của bạn sưng đau vào buổi sáng.
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống luôn được coi là chìa khóa để cải thiện tình trạng bệnh gút và nó cũng có thể là tác nhân khiến bệnh nặng thêm. Chế độ ăn uống có thể tác động tới bệnh gút ở mọi thời điểm, nhưng vào mùa hè, nó càng có nguy cơ gây bệnh. Nguyên nhân là do trong mùa hè, cơ thể chúng ta thường có cảm giác thèm nước ngọt hơn các thời điểm khác trong năm. Những loại nước ngọt trên thị trường tiềm ẩn một lượng đường fructose nhiều hơn mức cần thiết. Nước ngọt chứa đường fructose gây rối loạn chuyển hóa đào thải axit uric, làm tăng khả năng bị gút hoặc khiến cơn đau tiến triển nặng hơn.
Ngọc Diệp